Chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”

(BKTO) - Năm 2020, toàn Đảng, toàn dân đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, đồng thời thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới đại hội XIII của Đảng. Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” của Đảng.



Toàn hệ thống vào cuộc phòng chống tham nhũng

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc triển khai công tác PCTN trên cả nước, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá mới trong đấu tranh PCTN. Hoạt động kiểm tra, giám sát trong đảng do Ủy ban Kiểm tra và tổ chức đảng các cấp thực hiện tiếp tục được tăng cường. Nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cao cấp được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Quốc hội đã cho ý kiến, thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế nhằm PCTN.
                
   

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Nguồn: Zing.vn

   

Nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, Chính phủ, các ngành, các cấp chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền “Liêm chính, kiến tạo, hành động, hiệu quả”.

Thanh tra Chính phủ, KTNN tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, chú trọng thanh tra, kiểm toán các dự án đầu tư lớn, việc quản lý, sử dụng đất đai, tài chính công, tài sản công. Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tập trung khám phá, đẩy nhanh tiến độ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan tố tụng và cơ quan thi hành án đã áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng…

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh PCTN trong thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Qua đó góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh PCTN.

Phát triển thêm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng rất được chú trọng.
                
   

Hoạt động kiểm toán của KTNN góp phần vào công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Nguồn: Tư liệu

   

Tán thành với báo cáo của Chính phủ về những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nêu rõ, việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục được tăng cường, nhất là việc công khai NSNN. Việc kiểm soát xung đột lợi ích được quan tâm thực hiện, góp phần đảm bảo tính khách quan, liêm chính trong hoạt động công vụ. Việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, nhất là các định mức, tiêu chuẩn, chế độ liên quan đến tài chính công, tài sản công tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung.

Cùng với đó, cải cách hành chính tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, khai trương và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; chú trọng việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để xây dựng bộ máy nhà nước thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng và triển khai Trung tâm hành chính công góp phần cắt giảm đáng kể thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức với người dân, DN là điều kiện phát sinh nhũng nhiều, gây phiền hà, “tham nhũng vặt”.

Việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được triển khai và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ, công chức, việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm PCTN, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng… tiếp tục được tăng cường.

         
Mặc dù có tác động của dịch bệnh nhưng việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán cho cơ quan điều tra đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5%. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán có nhiều chuyển biến. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN tại các DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được chú trọng, bước đầu đã đạt được một số kết quả.
Liên quan đến kết quả thanh tra, KTNN, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần vào công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng bày tỏ sự tán thành với báo cáo của Chính phủ. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm toán năm 2020 tiếp tục được chú trọng, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Qua thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tiếp tục tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng

Nhận định tình hình trong thời gian tới, Chính phủ dự báo “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc để vụ lợi”.
                
   

Tiếp tục tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nguồn: Tạp chí Tài chính

   

Đồng tình với nhận định này, nhưng Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đồng thời cho rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục có những diễn biến phức tạp, “tham nhũng vặt” còn diễn ra nghiêm trọng, xuất hiện tình trạng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để tham nhũng, bảo kê cho xã hội đen… Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức xuyên quốc gia; tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, các cửa khẩu, cảng biển, hàng không.

Vì vậy, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật PCTN năm 2018, ban hành Nghị định quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định này trên thực tế. Đồng thời tiếp tục tăng cường chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức bộ máy nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, phục vụ có hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng…

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ, KTNN, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra, kiểm toán để xử lý sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao. Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có phương án tổng kết, đánh giá về chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng để tìm ra những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong hoạt động để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.

Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện Đề án Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Đề án Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN… theo đúng kế hoạch để tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh PCTN./.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”