Chống tham nhũng là nguyện vọng và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

(BKTO) - Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán nhân dịp Xuân mới, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư - cho rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Đảng ta trong nhiệm kỳ XII đã được đẩy lên một giai đoạn mới cao hơn, quyết liệt hơn và không có vùng cấm…




Ông Nguyễn Đức Hà

♦Thưa ông, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã bổ sung nhiệm vụ PCTN vào công tác xây dựng Đảng (XDĐ). Là người gắn bó nhiều năm với công tác này, ông cảm nhận như thế nào về việc thực hiện nhiệm vụ PCTN của Đảng ta trong những năm qua?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, PCTN là một trong những công tác được Đảng ta rất quan tâm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tệ quan liêu, tham nhũng là giặc nội xâm. Bác Hồ cảnh báo thắng giặc ngoại xâm đã khó, thắng giặc nội xâm còn khó hơn. Bởi lẽ, giặc nội xâm không có chiến tuyến, chiến hào, nó ẩn khuất trong nội bộ, thậm chí ngay trong mỗi con người.

Chúng ta cũng phải thấy rằng tham nhũng thì thời nào, nước nào và ở đâu cũng có nhưng mức độ khác nhau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói đây là cuộc chiến gay go, phức tạp. Bởi vậy, Đảng ta luôn quan tâm, chỉ đạo vấn đề này. Dấu mốc để đánh giá rõ nhất công tác PCTN là kể từ Hội nghị T.Ư lần thứ 5, khóa XI khi Ban Chấp hành T.Ư Đảng quyết định kiện toàn lại Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN với cơ cấu, thành phần hợp lý hơn và đây là ban trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Chính vì vậy, Đại hội XII của Đảng đã bổ sung nhiệm vụ PCTN vào công tác XDĐ.

Cùng với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, T.Ư đã quyết định tái lập Ban Nội chính T.Ư, Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư. Sau khi kiện toàn các ban này, công tác PCTN dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã được đẩy lên giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt, hiệu quả hơn và đúng với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chống tham nhũng không có vùng cấm. Chính điều này đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

♦Kết quả PCTN thời gian qua có ý nghĩa như thế nào đối với công tác XDĐ, thưa ông?

- Có thể thấy, những năm qua, nội dung PCTN đã gắn kết chặt chẽ với công tác XDĐ. Đặc biệt là trong hai nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, cấp ủy các cấp chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI và Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã đem lại kết quả cụ thể, rõ rệt, thậm chí có tính đột phá.

Có thể nói, ít nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ XII mà Ban Chấp hành T.Ư đã ban hành tới 4 nghị quyết và 1 quy định, còn Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành khoảng 130 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ít nhiệm kỳ nào mà chúng ta xử lý trên 110 cán bộ diện T.Ư quản lý cả đương chức và nguyên chức, trong đó có những cán bộ cấp cao. Chính sự quyết liệt trong công tác PCTN nói riêng và công tác XDĐ nói chung đã góp phần quan trọng để cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất hơn và củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

♦Trên thực tế, trong khi Đảng ta chỉ đạo xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm thì đâu đó lại bộc lộ tư tưởng lo lắng, tâm lý chờ đợi, thụ động vì quan ngại rằng ranh giới giữa đổi mới và vi phạm rất mong manh. Ông nhìn nhận câu chuyện này thế nào?

- Nếu ai đó cho rằng chống tham nhũng quyết liệt sẽ làm cho nhiều người lo sợ, ngồi im, chờ đợi, thụ động, không dám hành động dẫn đến trì trệ hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội thì đó là quan điểm không đúng. Ngược lại, chính đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng không những không cản trở mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này có thể thấy rõ trong nhiệm kỳ vừa qua. Cụ thể, năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,21%, năm 2017 là 6,81%, năm 2018 là 7,04%, năm 2019 là khoảng 6,8%. Duy chỉ có năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19 nên tăng trưởng đạt 2,91% nhưng nước ta vẫn là nước có tăng trưởng dương so với rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Vì sao chống tham nhũng lại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế? Bởi lẽ, thứ nhất, khi đấu tranh quyết liệt mạnh mẽ với tham nhũng, lãng phí thì chính trong quá trình đó, chúng ta phát hiện được những lỗ hổng về cơ chế, chính sách để bổ sung, hoàn thiện cơ chế nhằm bịt kẽ hở. Thứ hai, những năm qua, chúng ta đưa ra truy tố, xét xử rất nhiều vụ việc liên quan đến nhiều cán bộ đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Điều đó đã cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm. Thứ ba, thông qua điều tra, xét xử, truy tố rất nhiều vụ án tham nhũng, chúng ta đã thu hồi không hề nhỏ tài sản, tiền bạc cho Nhà nước. Ba điểm đó đã chứng minh trong những năm qua, việc đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ở đây, đúng là có câu chuyện khi chúng ta kỷ luật, thậm chí là đưa ra tòa nhiều cán bộ, đảng viên thì đâu đó bộc lộ tư tưởng lo lắng, sợ sệt, sợ trách nhiệm, có tâm lý chờ đợi, không dám hành động, sáng tạo. Chính vì vậy, quan điểm của Đảng ta là làm thế nào để vừa siết chặt kỷ luật, kỷ cương vừa phải tạo được môi trường, điều kiện để khai thác, huy động, phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ. Làm thế nào để chúng ta phát huy ý chí tự lập, tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của tất cả người dân Việt Nam? Hiện nay, Bộ Chính trị đang nghiên cứu, xây dựng quy định về bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung và cũng là để khắc phục tâm lý lo sợ, chờ đợi, trì trệ… ở một bộ phận cán bộ. Đây là việc làm hết sức cần thiết để phát huy nguồn lực nội sinh của đất nước.

♦Thực tiễn cho thấy, công tác PCTN không thể thiếu được vai trò của các cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán. Ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của KTNN đối với công tác này trong những năm qua?

- Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác PCTN những năm qua đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Đó là sự kết hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Chính điều này giúp cho công tác PCTN của Đảng ta ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm.

Tôi được biết, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN (từ năm 2013 đến nay), qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm nghìn tỷ đồng. KTNN cũng đã chuyển vài chục vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra và cung cấp hàng trăm hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Điều đó cho thấy, KTNN đóng vai trò quan trọng trong công tác PCTN.

♦Đại hội XIII xác định PCTN tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác XDĐ, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra, điều tra, kiểm toán... Vậy theo ông, trong nhiệm kỳ mới, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần phải làm gì để góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này?

- Trong nhiệm kỳ mới, PCTN tiếp tục là một trong những nhiệm vụ của công tác XDĐ. Đây vừa là xu thế vừa là nguyện vọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Những năm qua, chúng ta đã làm quyết liệt, hiệu quả việc này và đúc kết được từ thực tiễn nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là cơ sở để Đảng ta thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác PCTN trong thời gian tới.

Nhiệm vụ trên đặt ra yêu cầu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử phải phối hợp, phát huy tốt hơn vai trò để có thể phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, qua đó góp phần thiết thực hơn nữa vào công tác XDĐ, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGỌC MAI (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Chống tham nhũng là nguyện vọng và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị