Chủ động giải quyết vướng mắc, sớm có giải pháp đột phá để giảm chi phí cho doanh nghiệp

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này khi dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, sáng 22/4, tại Trụ sở Chính phủ.

0.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các DN, nhà đầu tư. Ảnh: Chính phủ

Chủ động giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư với trách nhiệm cao nhất

Với 100 đầu cầu trong nước và 83 đầu cầu nước ngoài, đây là Hội nghị trực tiếp, trực tuyến có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong Hội nghị, trên cơ sở chỉ đạo và đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã có 3 tập đoàn trao đổi kế hoạch đầu tư mới và mở rộng kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong năm nay với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD.

Phát biểu kết luận Hội nghị, khái quát các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề nổi lên gồm: Phản ứng chính sách; giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt dự án; tháo gỡ khó khăn về pháp lý; đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong lúc khó khăn là chưa kịp thời, linh hoạt, chưa mang lại hiệu quả cao.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của DN, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất, Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các Bộ, ngành địa phương thực hiện chỉ đạo này.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các DN, nhà đầu tư; chủ động xử lý ngay theo thẩm quyền hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành văn bản chỉ đạo là sản phẩm sau Hội nghị về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng dành thời gian phân tích 3 vấn đề lớn: Khái quát tình hình và thực trạng kinh tế Việt Nam; đóng góp của các DN, nhà đầu tư nước ngoài; định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

9.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bên lề Hội nghị. Ảnh: Chính phủ

Các định hướng lớn thu hút đầu tư của Việt Nam

Thủ tướng nêu rõ các định hướng lớn thu hút đầu tư của Việt Nam thời gian tới:

Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng DN, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đặc biệt là bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.

Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD. Đó là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, bảo đảm thực thi minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình.

6.jpg
Thủ tướng: Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa với phương châm "Lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển". Ảnh: Chính phủ

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghịcác Bộ, ngành, địa phương:

Tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa với phương châm "Lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển"; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, bảo đảm yếu tố cân đối, hợp lý, linh hoạt trên cơ sở đặc trưng của các địa phương, vùng miền, đảm bảo phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 03 ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, cần đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các DN (nhất là về cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân…)

Đối với các kiến nghị, đề xuất của DN, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, cần nghiêm túc lắng nghe với tinh thần cầu thị; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế mà các DN, nhà đầu tư đề xuất, kiến nghị.

Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó có phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (về pháp lý, quỹ đất, hạ tầng, năng lượng, lao động…) để đón vốn đầu tư mới, nhất là các dự án FDI có tính lan tỏa cao, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường công tác nắm tình hình, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, nhất là những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, người dân, DN.

Đối với cộng đồng DN, nhà đầu tư: Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tuân thủ đúng pháp luật, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị gia tăng cao, vì lợi ích của Nhà nước, DN, nhà đầu tư và người dân, tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội.

Các DN, nhà đầu tư nước ngoài cần nêu cao tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực phát triển.

Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu.

Các hiệp hội là "cánh tay nối dài" của Chính phủ với các DN đầu tư nước ngoài, cần kịp thời thông tin, báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên, DN, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; tích cực tham gia tư vấn chính sách, chia sẻ các kinh nghiệm hay, bài học quý.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành đã giải đáp cụ thể các vấn đề mà các đại biểu quan tâm như: Thuế tối thiểu toàn cầu, thị thực, năng lượng, lao động…/.

Cùng chuyên mục
Chủ động giải quyết vướng mắc, sớm có giải pháp đột phá để giảm chi phí cho doanh nghiệp