Chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại

(BKTO) - Những năm qua, xúc tiến thương mại (XTTM) nói chung và Chương trình cấp quốc gia về XTTM nói riêng đã trợ giúp đắc lực cho các doanh nghiệp (DN), địa phương, ngành hàng đẩy mạnh xuất khẩu, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cho hàng Việt vươn ra thế giới. Trong bối cảnh đầu ra của nhiều loại hàng hóa đang gặp khó khăn do cầu suy giảm như hiện nay, việc đẩy mạnh XTTM càng trở nên quan trọng.

1.jpg
Tổ chức hội chợ, triển lãm là một hoạt động XTTM trực tiếp quan trọng, hiệu quả. Ảnh sưu tầm

Xúc tiến thương mại góp phần đẩy mạnh xuất khẩu

Chủ trì Hội nghị giao ban công tác XTTM năm 2023 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công tác XTTM được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả.

Thông qua việc hỗ trợ DN phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, XTTM góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng là: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) - cho biết, năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của tình hình trong nước và thế giới biến động phức tạp, khó lường.

Để phát huy hiệu quả của công tác XTTM, hệ thống cơ quan XTTM trên cả nước đã phối hợp với Cục XTTM chủ động, sáng tạo trong triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 đã về đích với con số kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%.

Tuy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt khoảng 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước nhưng lại giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này phản ánh rõ những khó khăn của thị trường thế giới, cầu hàng hóa suy giảm, càng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác XTTM, cùng với đó là sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan, tổ chức XTTM trên cả nước.

Chia sẻ khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang - cho biết, bối cảnh mới hiện nay là sự chuyển dịch trong phương thức xuất khẩu.

Các DN Việt Nam cần chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, từ đường bộ tại các cửa khẩu các tỉnh phía Bắc sang đường thủy với sự kiểm định nghiêm ngặt hơn về kỹ thuật và phòng dịch bệnh…

Ông Vũ Bá Phú chia sẻ, để giải tỏa những khó khăn cho đầu ra của hàng hóa, từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương trên cả nước đã hướng dẫn và tổ chức cho các DN tham gia các sự kiện XTTM lớn ở trong và ngoài nước.

Cùng với đó là các chương trình hội nghị quốc tế theo ngành hàng; kết nối nhà cung ứng địa phương với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhà mua hàng xuất khẩu.

Năm 2022, hệ thống cơ quan XTTM đã triển khai hơn 755 đề án XTTM, đạt 82% kế hoạch. Tổng kinh phí dành cho hoạt động XTTM của các Trung tâm XTTM địa phương là hơn 250 tỷ đồng, kinh phí thực hiện trong năm khoảng 199 tỷ đồng.

Tại thị trường trong nước, công tác XTTM cũng tập trung vào việc tổ chức hiệu quả, thành công các kỳ hội chợ quốc tế lớn như: Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh; Hội chợ quốc tế chuyên ngành đồ gỗ; dệt may và nguyên phụ liệu...

“Hàng loạt hoạt động XTTM lớn từ đầu năm đến nay thể hiện sự đồng hành của công tác XTTM trong việc góp phần hỗ trợ DN khắc phục khó khăn về thị trường trong các tháng qua” - ông Vũ Bá Phú nhận định.

Cần nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại

Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả XTTM, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của ngành công thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ DN tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, vấn đề nổi cộm trong hoạt động XTTM hiện nay là tính liên kết của mạng lưới các tổ chức XTTM, hiệp hội ngành hàng chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả. Điều này dẫn đến nguồn lực cho xúc tiến bị dàn trải, chồng chéo, thiếu các hoạt động có quy mô lớn, tác động sâu rộng, mang lại kết quả cho nhiều đối tượng hưởng lợi.

Vì vậy, bên cạnh giải pháp các đơn vị phải tập trung triển khai tốt kế hoạch, công tác XTTM trong năm 2023, huy động và sử dụng các nguồn lực dành cho XTTM một cách hiệu quả, cần phải có sự chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động XTTM của địa phương với các Bộ, ngành, địa phương khác trong vùng và liên vùng.

Qua đó giúp phát huy hiệu quả hỗ trợ thúc đẩy giao thương cho các DN, sản phẩm hàng hóa, đồng thời dần hình thành và củng cố cơ chế hợp tác, liên kết cùng có lợi trong mạng lưới các tổ chức XTTM.

Cùng với đó, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, nòng cốt của hoạt động XTTM chính là Chương trình cấp quốc gia về XTTM được thực hiện hằng năm với hơn 100 đề án XTTM triển khai tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

Để phát huy hiệu quả của các hoạt động XTTM cấp quốc gia năm 2023, Bộ Công Thương đã và đang tập trung đổi mới cách thức thực hiện theo hướng hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và DN thực hiện các hoạt động XTTM với các thị trường trọng điểm, đặc biệt là khai thác các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, cũng như khơi thông các thị trường mới, thị trường tiềm năng.

Đồng thời nhanh chóng xây dựng các chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực XTTM, xúc tiến xuất khẩu xanh để đáp ứng yêu cầu, thích nghi với xu hướng mới của các thị trường nhập khẩu vì thương mại xanh, tăng trưởng xanh ngày nay không còn là sự lựa chọn nữa mà đã trở thành xu thế tất yếu trên toàn thế giới.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác XTTM để cung cấp thông tin, tư vấn thị trường xuất khẩu và kết nối thị trường cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng DN…

Trong bối cảnh trong nước và quốc tế đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động giao thương, xuất khẩu hàng hóa của cộng đồng DN, Chương trình cấp quốc gia về XTTM năm 2023 đã được phê duyệt tổng kinh phí 135 tỷ đồng để triển khai thực hiện 2 nội dung, gồm: Phát triển ngoại thương với 76 hoạt động, sự kiện và phát triển thị trường trong nước với 37 hoạt động, sự kiện.

Cùng chuyên mục
Chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại