Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngày Quốc tế Lao động 1/5

Từ sớm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm và trực tiếp tham gia vào hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (03/02/1930) và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta càng có điều kiện thuận lợi tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động thiết thực, ý nghĩa.

4-.jpg
Bác Hồ với công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) năm 1955. Ảnh: tuyengiao.vn

Ngày 01/5/1930, Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và giai cấp công nhân Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức Ngày Quốc tế Lao động 1/5 với việc biểu tình đòi quyền lợi cho người lao động, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 của cách mạng Việt Nam. Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay từ những ngày đầu của nhà nước non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng tới việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 18/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22C NV/CC, trong đó quy định Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức ở nước ta. Đến ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56/SL quy định trong ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5, công nhân được hưởng lương.

Tư tưởng đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Ngày Quốc tế Lao động 1/5 luôn là ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân Việt Nam, đồng thời gắn liền với phong trào thi đua yêu nước. Hồ Chí Minh chỉ ra từ rất sớm và thường xuyên chặt chẽ, thiết thực. Cứ vào dịp 01/5 hằng năm, Hồ Chí Minh lại có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, việc làm thúc đẩy phong trào thi đua lao động trong cả nước.

Ngày 01/5/1946, trong Lễ kỷ niệm trọng thể Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn kêu gọi người lao động và nhân dân cả nước đoàn kết xây dựng đất nước: “Ngày 1/5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa hết sức sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa”. Người nhấn mạnh: “Đối với chúng ta đó là một ngày để thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày Nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Thiết thực gắn chặt kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động với phong trào thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề này, nhằm thực hiện tốt phương châm “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững”.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định rõ mục đích, ý nghĩa, lực lượng của phong trào thi đua yêu nước. Tại Đại hội các Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc vào ngày 01/5/1952, Người nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Ngày 01/5/1948, Người viết trong “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cung tự cấp, tụ túc, đi kịp người thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đưa ra các hình thức, biện pháp để thúc đẩy phong trào thi đua được tốt: “Cách thức thi đua - Kế hoạch phải thiết thực. Tổ chức phải hẳn hoi. Lãnh đạo phải chặt chẽ. Phân công phải rõ ràng. Mọi việc phải dân chủ. Thi đua phải bền bỉ”. Đồng thời, Người thẳng thắn yêu cầu cần phải phòng, chống, khắc phục những biểu hiện không đúng, tránh phô trương hình thức, không máy móc, dập khuôn và phải thực hiện tốt việc khen thưởng, xử phạt, rút kinh nghiệm kịp thời trong thi đua. Người nhấn mạnh đến yếu tố tinh thần, ý chí quyết tâm vượt khó trong thi đua. Ngày 01/5/1958, Người nêu rõ: “Hôm nay, cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng Ngày 1 tháng 5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn để làm tròn nhiệm vụ mới. Ngày 1 tháng 5 năm nay là một ngày đoàn kết đấu tranh, tin tưởng và phấn khởi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Công việc hằng ngày chính là nền tảng của thi đua”, đặt ra yêu cầu là đã tổ chức thi đua ái quốc thì phải phấn đấu để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc cao hơn, tốt hơn: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều”. Người nhắc nhở phải có cách tổ chức thi đua chặt chẽ, hiệu quả, nhân rộng điển hình tiên tiến, phổ biến kinh nghiệm, sáng kiến; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế khuyết điểm để kịp thời sửa chữa khắc phục nhằm thi đua được tốt hơn. Tại Đại hội các Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 01/5/1952, cùng với biểu dương ưu điểm, Người cũng nêu khuyết điểm của các ngành, cơ quan, đơn vị, như: “Công nghệ: Tinh thần, kỷ luật, tổ chức khá, sáng kiến nhiều, năng suất cao. Nhưng không đều, thiếu thường xuyên, liên tiếp. Ngành vận tải tiến chậm. Các xưởng tư thi đua kém... Lao động trí óc: Cán bộ chuyên môn thi đua khá. Nhưng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa... Các cơ quan: Có chương trình, phương hướng, cố gắng. Nhưng chưa đều, chưa có nền nếp, thiếu liên tiếp”. Trên cơ sở những phân tích cụ thể đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Từ nay, phải phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm. Những ngành thi đua đã khá thì phải cố gắng thêm. Những ngành còn kém thì phải cố gắng theo cho kịp phong trào”. Trên Báo Nhân Dân ngày 01/5/1954, Hồ Chí Minh đăng bài “Mấy khuyết điểm của báo chí ta”, trong đó Người viết: “Để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của báo chí phải cải thiện hơn nữa”.

Trong tiến hành thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường yêu cầu phải chú ý bảo đảm hài hòa giữa lợi ích tập thể với lợi ích của cá nhân người lao động và công tác khen thưởng. Người cho rằng: “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”. Nói chuyện với công nhân Nhà máy diêm Thống Nhất (Hà Nội) vào năm 1956, Người chỉ rõ: “Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người khỏe mạnh, thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả năng cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên”.

Vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 hằng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường biểu dương những kết quả thi đua tốt, khen ngợi những tập thể cá nhân có thành tích cao. Ngày 01/5/1964, Người gửi điện khen ngợi lực lượng thanh niên đang hăng say lao động trên công trường xây dựng lại cầu Hàm Rồng, khôi phục đường sắt Thanh Hóa - Vinh. Vào tối ngày 01/5/1966, Đoàn văn công của tỉnh Quảng Bình về Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Hồ Chủ tịch, được Người khen ngợi: “Nhân dân ta anh hùng thật. Chiến đấu oanh liệt như thế mà vẫn lạc quan ca hát. Một dân tộc như thế thì không một thế lực hung bạo nào có thể khuất phục được”.

Những tư tưởng, việc làm của Hồ Chí Minh về Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã được Đảng, Nhà nước, công nhân, người lao động và nhân dân Việt Nam tích cực học tập, triển khai thực hiện. Hằng năm, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày hội của công nhân và người lao động cả nước. Ngày 24/02/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng công nhân” với nhiều hoạt động rất sôi nổi, thiết thực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định thi đua yêu nước là chủ trương chiến lược của Đảng, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, của mỗi cơ quan, đơn vị và đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các phong trào yêu nước bám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, qua đó trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy mọi tầng lóp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”. Nhờ vậy, nước ta đã có được những thành tựu to lớn về nhiều mặt, tính riêng về kinh tế, từ năm 2016 đến năm 2019, đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất trên thế giới, trở thành 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Đó cũng là cơ sở quan trọng để chúng ta phấn đấu thực hiện mong ước, niềm tin của Đảng, Nhà nước, công nhân, viên chức và người lao động Việt Nam: “Với sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước, công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước của nước ta trong thời gian tới nhất định sẽ có nhiều thành công mới, tạo ra động lực mới, quan trọng, góp phần vào tiến trình đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”./.

Cùng chuyên mục
  • 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Đoàn kết làm nên sức mạnh, cội nguồn của mọi thành công
    một năm trước Chính trị
    Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
  • Bác Hồ với Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng
    một năm trước Chính trị
    Cách đây 69 năm, ngày 19/9/1954, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Đại đoàn 308) tại Đền Hùng (Phú Thọ), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “…Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…”. Không chỉ khẳng định công lao to lớn của các Vua Hùng, của các thế hệ ông cha, lời Bác dặn còn là lời nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải phát huy truyền thống con cháu Lạc Hồng, phải có trách nhiệm giữ gìn giang sơn gấm vóc.
  • Giỗ Tổ Hùng Vương: Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
    một năm trước Chính trị
    Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mà mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”.
  • Chủ tịch Quốc hội: Sớm khởi động đàm phán FTA Việt Nam - MERCOSUR để không bỏ lỡ cơ hội
    một năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Rạng sáng 28/4, giờ Việt Nam, tại trụ sở Nghị viện Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Nghị viện Khối Thị trường chung Nam Mỹ (PARLASUR) Gustavo Penadés và các Phó Chủ tịch PARLASUR: Celso Russomanno, Tomas Bittar và Cecilia Britto.
  • Mở ra cơ hội hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Uruguay
    một năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Sáng 28/4, giờ Việt Nam, tiếp tục chuyến thăm chính thức Uruguay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Quyền Thị trưởng Thành phố Montevideo Mauricio Zunino.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngày Quốc tế Lao động 1/5