Chủ tịch Quốc hội: Phải làm cho đối tượng giám sát “tâm phục, khẩu phục”

(BKTO) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu tăng cường giám sát đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Giám sát phải làm cho đối tượng được giám sát “tâm phục, khẩu phục” và phải chỉ ra được những điểm mạnh, hạn chế và giải pháp để thực hiện trong thời gian tới…

Sáng 7/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

202410071104038696_dsc_0857.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Luật hóa các nội dung cần thiết, xác đáng

Báo cáo tóm tắt Tờ trình Dự án Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, Dự thảo Luật gồm 3 điều: Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (gồm 60 khoản); Điều 2 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan (gồm 2 khoản); Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành của luật.

Về giám sát của Quốc hội (Chương II), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung quy định của 37 khoản tại 24 điều về: thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động giám sát.

Về giám sát của HĐND (Chương III), Dự thảo Luật bổ sung mới 8 điều, nội dung tập trung quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp HĐND, tại phiên họp Thường trực HĐND; chuyên đề giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND; vấn đề giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND; đồng thời, quy định về xem xét việc thực hiện nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn.

202410071105017583_dsc_0839.jpg
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Tờ trình Dự án Luật. Ảnh: VPQH

Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với những lý do được nêu tại Tờ trình.

Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung và nhấn mạnh quan điểm, Luật chỉ bổ sung hoặc luật hóa các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải thực sự cần thiết, xác đáng, thống nhất với bố cục của Luật hiện hành; không đưa vào luật hoặc luật hóa các vấn đề, quy trình, thủ tục thuộc thẩm quyền của UBTVQH; những nội dung cần quy định linh hoạt để phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì nên giao UBTVQH quy định. Đối với các chính sách mới cần có đánh giá tác động đầy đủ, cho thấy hiệu quả, phù hợp thì mới quy định vào luật.

Giám sát phải trúng, đúng trọng tâm, trọng điểm

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tăng cường giám sát đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và HĐND các cấp là việc phải điều chỉnh trong thời gian tới thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND lần này.

202410071120231026_dsc_0667.jpg

Giám sát làm sao phải trúng, đúng, trọng tâm, trọng điểm những vấn đề Đảng, cử tri và nhân dân đặt ra cho Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hằng năm, Quốc hội và UBTVQH cũng như Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đều có các chuyên đề giám sát. HĐND các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương cũng tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này, công tác giám sát rất được quan tâm. UBTVQH đã ban hành quy định về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND và được HĐND các địa phương hết sức hoan nghênh.

“Giám sát phải làm cho đối tượng được giám sát “tâm phục, khẩu phục”. Thông qua việc giám sát, Đoàn giám sát chỉ ra được điểm mạnh, những hạn chế và giải pháp để thực hiện trong thời gian tới” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, vấn đề quan trọng nhất là hậu giám sát, khi Đoàn giám sát rút ra những kiến nghị, đề xuất phải có địa chỉ và thời gian nhất định, ai làm và bao giờ thực hiện xong?

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần rà soát sự phù hợp của Dự thảo luật với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giám sát của Quốc hội và HĐND không chồng chéo với các giám sát, thanh tra của các cơ quan khác. Hoạt động giám sát của Quốc hội vừa phải bám sát, đáp ứng nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri, vừa phải gắn với công tác lập pháp.

Quan tâm đến việc quy định về xem xét các báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, quy định của Luật hiện hành về Quốc hội xem xét các báo cáo cần được đánh giá kỹ hơn để sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, bảo đảm phát huy được hiệu quả thực chất của hình thức giám sát này, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn khi triển khai để tránh hình thức.

“Đối với báo cáo hằng năm của các cơ quan khác cũng như Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước cũng cần cân nhắc xem cần thiết yêu cầu các cơ quan này gửi báo cáo kết quả công tác tại kỳ họp giữa năm hay không. Vì, ngoài báo cáo chung thì theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan này đều phải chuẩn bị báo cáo chuyên đề với rất nhiều nội dung” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ./.

Cùng chuyên mục
  • Tăng tính tự chủ, hạn chế can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiêp
    một tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhấn mạnh yêu cầu, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) cần cụ thể hóa quan điểm Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị của DN; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, hạn chế cơ chế xin - cho; tăng cường phân cấp, phân quyền cho DN…
  • Sẽ sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập
    một tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập (KTĐL), ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia.
  • Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 trên cả nước
    một tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2024 nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (Dự thảo Nghị định). Góp ý cho Dự thảo Nghị định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2024 trên cả nước.
  • Cần cân nhắc một số quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc
    một tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc (Dự thảo Nghị định). Góp ý cho Dự thảo Nghị định này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng một số quy định cần được xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm.
  • Sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 1 luật sửa 7 luật tại Kỳ họp thứ 8
    một tháng trước Pháp luật
    (BKTO) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tài Kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội: Phải làm cho đối tượng giám sát “tâm phục, khẩu phục”