Hoạt động kiểm toán NSĐP cần được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán. Ảnh tư liệu
Nhiều phát hiện quan trọng qua công tác kiểm toán
Theo lãnh đạo Vụ Tổng hợp, NSĐP là nội dung quan trọng trong kế hoạch kiểm toán (KHKT) hằng năm của KTNN. Kết quả kiểm toán NSĐP có tác động tích cực đến việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các địa phương, phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Để đảm bảo yêu cầu kiểm toán và chất lượng kiểm toán trong lĩnh vực này, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định hướng dẫn chi tiết, cụ thể công việc, nghiệp vụ kiểm toán cho kiểm toán viên thực hiện kiểm toán tại các tỉnh, thành phố, giúp các kiểm toán viên bám sát mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán chung của Ngành khi thực hiện KHKT.
Từ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tổng Kiểm toán Nhà nước, sự triển khai thực hiện tích cực, trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán, các kiểm toán viên, chất lượng các cuộc kiểm toán NSĐP không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các cơ quan nhà nước, xã hội. Theo đại diện Phòng Ngân sách địa phương (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán), năm 2020, Phòng thực hiện kiểm soát 44 cuộc kiểm toán NSĐP, kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề thuộc lĩnh vực NSĐP. Qua công tác kiểm soát cho thấy, công tác kiểm toán đã có nhiều phát hiện quan trọng trên tất cả các đối tượng chi thường xuyên, chi đầu tư, thu ngân sách. Trong đó, nhiều phát hiện đáng chú ý như: Việc kê khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản chưa chính xác, chưa tính hệ số K đối với phương pháp khai thác lộ thiên dẫn đến xác định thiếu số thuế phải nộp (Đoàn NSĐP tỉnh Đồng Nai), tình trạng DN tự ý chuyển nhượng đất thuê trái quy định (Đoàn NSĐP TP. Đà Nẵng), tình trạng chuyển nhượng vốn góp thấp hơn nhiều giá trị sổ sách thực tế và có dấu hiệu trốn thuế (Đoàn NSĐP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)... Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh ngành thuế tiến hành sắp xếp, hợp nhất, thu gọn đầu mối chi cục thuế, thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, các đơn vị kiểm toán đã điều chỉnh lại cách thức triển khai kiểm toán NSĐP cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Khánh Toàn, năm qua, đơn vị không kiểm toán chi cục thuế; theo đó, các chi cục thuế được tách ra để kiểm toán theo ngành dọc. Khi thực hiện kiểm toán tại địa phương, biên bản kiểm toán ngân sách cấp huyện sẽ chỉ có phần đánh giá công tác lập dự toán thu, tình hình dự toán thu ngân sách, xác nhận báo cáo quyết toán thu chi ngân sách cấp huyện; còn phần đánh giá sự tuân thủ pháp luật về thu NSNN cấp huyện sẽ được tổng hợp trong biên bản kiểm toán tại Tổng cục Thuế.
Những lưu ý để nâng cao chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương
Thời điểm này, các đơn vị kiểm toán đang triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đợt 1 theo kế hoạch được giao, trong đó hoạt động kiểm toán NSĐP cũng đang được các đơn vị kiểm toán tích cực triển khai thực hiện. Từ thực tiễn triển khai hoạt động kiểm toán, nhiều đơn vị kiểm toán cho rằng, cùng với những phát hiện mới qua thực tế kiểm toán, các đoàn kiểm toán NSĐP cần chú ý đến các phát hiện nổi bật trước đó để tránh bỏ sót vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đồng bộ cần được các đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán lưu ý triển khai thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh công tác quản lý nhà nước tiếp tục có nhiều thay đổi.
Là một trong những đơn vị nhiều năm liền có cuộc kiểm toán NSĐP đạt chất lượng vàng, đại diện KTNN khu vực IV đã chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm toán để nâng cao hơn chất lượng, hiệu lực, hiệu quả đối với các cuộc kiểm toán NSĐP. Theo đó, trước khi tiến hành kiểm toán, đơn vị xây dựng đề cương, kế hoạch khảo sát, trong đó bám sát hướng dẫn về trọng yếu, mục tiêu kiểm toán và quy mô ngân sách của địa phương giúp thu thập thông tin đầy đủ phục vụ cho việc lập KHKT tổng quát, KHKT chi tiết; xác định được nội dung trọng tâm, các vấn đề cần ưu tiên đi sâu kiểm toán trên cơ sở đánh giá rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát từ đó lựa chọn phương pháp, thủ tục kiểm toán đối với từng nội dung kiểm toán, mẫu chọn kiểm toán phù hợp; bố trí nhân sự và thời gian của từng tổ một cách hợp lý.
Còn theo KTNN khu vực III, từ kết quả kiểm toán đạt được, đơn vị đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với kiểm toán NSĐP, trong đó, đối với thu NSNN - một trong hai nội dung lớn của của cuộc kiểm toán NSĐP, cần tập trung đánh giá công tác quản lý thu tiền thuê đất thông qua việc lập bộ rà soát việc lập bộ quản lý thu của cơ quan thuế với tài liệu quản lý của cơ quan tài nguyên và môi trường. Đối với lĩnh vực chi thường xuyên, tổng hợp chi ngân sách, cần tập trung đánh giá công tác phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên trên cơ sở so sánh giữa các chỉ tiêu được cấp thẩm quyền phê duyệt với số liệu tính toán phân bổ dự toán kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo các quy định hiện hành; việc quản lý, sử dụng nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, trên cơ sở đó xác định số kinh phí thực tế đã thực hiện so với số kinh phí đã bổ sung, số kinh phí còn thừa không sử dụng để thu hồi về ngân sách cấp trên...
Trong bối cảnh hoạt động kiểm toán của KTNN đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi phải đổi mới một cách mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, xuất phát từ vai trò quan trọng của lĩnh vực này, kiểm toán NSĐP cần đi tiên phong trong việc thực hiện các giải pháp đổi mới hơn nữa để từ đó nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán nói chung của KTNN.
NGUYỄN LỘC