Chú trọng chuyển đổi số để lan tỏa, phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa

(BKTO) - Trong một năm đầy khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, song ngành văn hóa, với nòng cốt là các văn sĩ, trí thức đã không ngại khó, ngại khổ để sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, thậm chí là đến tuyến đầu chống dịch, mang lại sức mạnh tinh thần cho người dân. Đặc biệt, với sự trợ giúp của nền tảng công nghệ số, sức mạnh ấy đang dần được nhân lên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, đồng lòng vượt qua đại dịch.



Đồng hành cùng toàn dân đẩy lùi dịch bệnh

Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, khi các nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng thường xuyên đóng cửa để thực hiện quy định phòng, chống dịch. Trên thực tế, đây cũng không phải là mặt hàng, nhu cầu thiết yếu, so với nhiều nhu cầu khác, nên chưa thực sự được người dân chú trọng. Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là góp phần truyền tải thông điệp, niềm tin và tạo nguồn động lực tinh thần để cùng nhân dân mạnh mẽ vượt qua khó khăn.
                
   

Hội nghị Tổng kết công tác VH,TT&DL năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến các địa phương. Ảnh: N.LỘC

   

Tại Hội nghị Tổng kết công tác VH,TT&DL năm 2021 diễn ra mới đây, những khó khăn này đã được ngành văn hóa cả nước nhận diện, để từ đó chủ động xây dựng phương án, giải pháp nhằm hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh, cũng như những biến động khác tương tự. Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông, ứng phó với đại dịch, ngành VH,TT&DL cả nước đã nỗ lực, sáng tạo, điều hành linh hoạt, thích ứng nhanh chóng, kịp thời đề xuất và tổ chức thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách mới, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2021.

Theo đó, ngành VH,TT&DL nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và lĩnh vực du lịch…

Ngành VH,TT&DL đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật phù hợp tình hình mới. Trong đó có những chương trình biểu diễn nghệ thuật không khán giả, chương trình biểu diễn có sự tương tác nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài nước, mô hình hoạt động biểu diễn “Nhà hát online”..., chương trình “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” trên các kênh youtube và nền tảng mạng xã hội.

Đặc biệt, trong khó khăn, ngành VH,TT&DL vẫn nỗ lực không ngừng để quảng bá, đưa hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam đến với thế giới, thông qua Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai - một trong những sự kiện có quy mô, tầm ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu. Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH,TT&DL ) Nguyễn Phương Hòa, tham gia EXPO 2020 Dubai, Việt Nam gửi thông điệp kết nối giá trị tinh hoa, trí tuệ từ quá khứ, cùng những đổi mới sáng tạo của hiện tại để kiến tạo một tương lai bền vững và tốt đẹp hơn cho những thế hệ mai sau. Ở đó, văn hóa chính là nền tảng quan trọng giúp kết nối con người với nhau để từ đó hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, kiến tạo một thế giới hoà bình và tốt đẹp…

Tập trung vào chuyển đổi số để lan tỏa các giá trị văn hóa

Đáng chú ý, một trong những điểm nhấn trong năm qua của ngành văn hóa, đó là các mô hình hoạt động mới như: nhà hát online, triển lãm online, tuyên truyền, cổ động qua hình thức online, số hóa tài liệu và phục vụ bạn đọc qua không gian mạng, phát hành phim qua nền tảng số... lần đầu tiên được các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, mang đến liều “vắc xin tinh thần” phục vụ, cổ vũ nhân dân cùng nhau đoàn kết, vượt qua đại dịch.

Từ những kết quả bước đầu đạt được, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đặt ra yêu cầu phải nghiêm túc làm mạnh hơn, quyết liệt hơn việc chuyển đổi số trong lĩnh vực VH,TT&DL trong tình hình mới. Theo Bộ trưởng, nếu chỉ chờ vào ngân sách sẽ rất khó để thực hiện chuyển đổi số, mà cần phải linh hoạt huy động các nguồn lực từ xã hội. “Hiện nay ngành VH,TT&DL đã thực hiện chuyển đổi số ở một lĩnh vực như du lịch, bảo tàng… tuy nhiên còn ở quy mô nhỏ lẻ” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn nhìn nhận, đồng thời nhấn mạnh, trong phương hướng, nhiệm vụ của ngành VH,TT&DL năm 2022 sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực VH,TT&DL; tiếp tục duy trì, phát huy vai trò của mô hình “nhà hát online”, thúc đẩy xây dựng, phát triển mô hình “bảo tàng online”; triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 của ngành VH,TT&DL, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh,Việt Nam có nhiều DN công nghệ số lớn mạnh có thể giải các bài toán về chuyển đổi số của ngành VH,TT&DL. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã công bố 35 nền tảng số quốc gia được phát triển trong năm 2022 để làm hạ tầng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Trong đó có 2 nền tảng thuộc ngành VH,TT&DL là nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích và nền tảng quản trị kinh doanh du lịch. Theo đó, Bộ VH,TT&DL nên công bố thêm một số nền tảng số chuyên ngành để đẩy nhanh chuyển đổi số.
                
   

Biểu diễn nghệ thuật tại một bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Ảnh minh họa

   

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá cao những kết quả Bộ VH,TT&DL đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là trong việc tham mưu tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc, từng bước thay đổi nhận thức về văn hóa và bước đầu ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong văn hóa. Hội nghị tổng kết năm nay của ngành VH,TT&DL đươc tổ chức theo hình thức trực tuyến đến tất cả các địa phương chính là một minh chứng cho nỗ lực chuyển đổi số của ngành VH,TT&DL, mà Chính phủ đang quyết liệt triển khai. Tuy nhiên, theo xu thế chung, ngành VH,TT&DL cần đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa trong lĩnh vực được giao quản lý, như: số hóa một bảo tàng với toàn bộ hiện vật, bảo vật; số hóa từng sản phẩm du lịch, phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ...
            
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trong đại dịch vừa qua chúng ta đã khơi dậy được truyền thống văn hóa, con người Việt Nam bằng việc truyền cảm hứng cho Nhân dân thông qua các hoạt động sáng tác, biểu diễn. Chúng ta rất cảm động với hình ảnh nghệ sĩ đến tận nơi điều trị F0 để biểu diễn, đó như một "liều vắc xin tinh thần" giúp người dân vượt qua dịch bệnh.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Chú trọng chuyển đổi số để lan tỏa, phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa