Chú trọng công tác lập Báo cáo kiểm toán chung của kiểm toán chuyên đề

(BKTO) - Với tính chất là cuộc kiểm toán có quy mô rộng, nhiều đơn vị tham gia, việc lập báo cáo kiểm toán (BCKT) chung cho cả chuyên đề với sự tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn, nhiều nội dung đòi hỏi cần phải có những yêu cầu nhất định để đảm bảo chất lượng của BCKT. Đây cũng chính là yêu cầu được lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) đặt ra với các đơn vị kiểm toán và đơn vị có liên quan, đó là phải: Cẩn trọng khi lập BCKT, tránh coi đây chỉ là bước trình bày lại kết quả và mang tính hình thức.



                
   

Các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chuyên đề phải chú trọng công tác
   tổng hợp lập BCKT. Ảnh minh họa

   

Ngày càng chú trọng đến công tác lập BCKT

Theo đại diện Vụ Tổng hợp, BCKT là một nội dung quan trọng đã được ghi nhận trong Luật KTNN. Theo đó, BCKT nói chung của KTNN là văn bản do KTNN lập và công bố sau mỗi cuộc kiểm toán để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán. “BCKT của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” - Luật KTNN nêu rõ.

Với tính chất quan trọng đó, các quy định về lập BCKT không ngừng được sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Ngay từ đầu năm nay, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-KTNN về trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành BCKT, thay thế cho Quyết định số 01/2017/QĐ-KTNN ngày 24/02/2017. Điểm mới theo Quyết định số 01/2022/QĐ-KTNN là sau khi hoàn thiện dự thảo BCKT, ngoài gửi lấy ý kiến đơn vị được kiểm toán thì BCKT phải được gửi các đơn vị tham mưu như: Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế để cho ý kiến. “Điều này nhằm đảm bảo công tác soát xét việc lập BCKT được chặt chẽ ngay từ những khâu đầu tiên và từ trong Ngành, trước khi gửi đến đơn vị được kiểm toán” - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Lê Hoài Nam cho biết, đồng thời khẳng định việc lập BCKT chuyên đề đã bám sát các quy định chung về lập BCKT.

Theo đại diện KTNN khu vực VII, đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề, việc lập BCKT càng trở nên quan trọng, với lí do đây là cuộc kiểm toán có nhiều đơn vị tham gia. Nếu kết quả kiểm toán có nhiều nội dung phong phú, có những phát hiện mới, song quá trình tổng hợp tình hình và số liệu để lập BCKT không được thực hiện đúng quy trình, không đảm bảo việc tổng hợp đầy đủ và đại diện nhất cho những kết quả đạt được từ các đoàn, tổ kiểm toán, các kiểm toán viên thì BCKT có thể sẽ không thể hiện được những điều mà công chúng mong đợi từ cuộc kiểm toán, hay nói cách khác khi đó cuộc kiểm toán có thể được đánh giá là kém chất lượng.

Có thể thấy, trong những năm gần đây KTNN đã tổ chức nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề ở quy mô toàn Ngành, như: Chuyên đề về công tác quản lý nhà nước tại các Cục thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020; Chuyên đề về công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chuyên đề việc quản lý, sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương trong nước của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tại các Bộ, ngành và địa phương; Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại các địa phương năm 2022... Qua công tác thẩm định, kiểm soát từ các đơn vị chức năng cho thấy, các BCKT ngày càng được chú trọng nâng cao về chất lượng, cũng như tuân thủ các quy định, chuẩn mực và hệ thống mẫu biểu của Ngành; từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, quá trình lập BCKT chung cho chuyên đề vẫn còn những hạn chế, trong đó việc tuân thủ hệ thống mẫu biểu khi lập BCKT tại các đơn vị chưa được thực hiện thống nhất. Đặc biệt, trước những yêu cầu, đòi hỏi mới về chất lượng, các đơn vị kiểm toán cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hơn nữa chất lượng lập BCKT.

Những lưu ý để nâng cao chất lượng lập BCKT

Từ thực tế quá trình tổng hợp lập BCKT các cuộc kiểm toán chuyên đề lớn có quy mô toàn Ngành, các đơn vị kiểm toán đã chia sẻ một số kinh nghiệm, những điều cần lưu ý trong quá trình tổng hợp lập BCKT, từ đó hướng đến nâng cao chất lượng lập BCKT.
                
   

Các phát hiện kiểm toán đáng chú ý cần phải được tổng hợp đầy đủ và đảm bảo sự thống nhất trong đánh giá trước khi đưa vào BCKT. Ảnh tư liệu

   

Theo đó, trước khi tổng hợp lập BCKT cần nghiên cứu kỹ lưỡng đề cương, hướng dẫn kiểm toán, kế hoạch của đoàn kiểm toán để có thể nhận diện rõ đâu là nội dung trọng yếu cần lưu tâm, đâu là những nội dung, khoản mục không có tác động lớn đến BCKT khi tổng hợp tình hình và số liệu kiểm toán nhằm giúp cho BCKT súc tích nhưng không bỏ sót các yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc kiểm toán và rủi ro có thể mắc phải của đoàn kiểm toán.

Trong quá trình tổng hợp, bộ phận được giao cần quan tâm, chú trọng hơn nữa đến việc thiết kế các mẫu biểu số liệu qua các niên độ để tính toán, so sánh các chỉ tiêu, qua đó có thể đưa ra được nhiều ý kiến phân tích, dự báo góp phần làm cho BCKT của đoàn kiểm toán, cũng như BCKT tổng hợp chung có nội dung phong phú và gia tăng giá trị.

Đưa ra lưu ý trong công tác lập BCKT chung cho chuyên đề, theo đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, các đơn vị kiểm toán cần tuân thủ nghiêm túc kết cấu BCKT và trình tự các phụ lục, phụ biểu số liệu theo hệ thống mẫu biểu; không bổ sung các phụ lục, phụ biểu một cách tùy tiện. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính đúng đắn, chính xác của các đánh giá, nhận định kiểm toán trước khi đưa vào BCKT, đơn vị tổng hợp BCKT cần trao đổi kịp thời và đi đến cùng để làm rõ các trường hợp kết quả kiểm toán có cùng bản chất nhưng đang được nhận định, đánh giá khác nhau, đảm bảo sự thống nhất trong đánh giá và kiến nghị về cùng một nội dung tại BCKT của cuộc kiểm toán.

Từ kinh nghiệm tổng hợp BCKT, đại diện KTNN khu vực VII cho rằng, khi tổng hợp BCKT chung của chuyên đề toàn Ngành cần bắt đầu từ các đoàn kiểm toán tại các địa phương có quy mô lớn nhất về hoạt động được kiểm toán, sau đó thống kê kết quả của các đoàn còn lại sẽ thuận tiện và không bỏ sót kết quả kiểm toán. Sau khi đã hoàn thành tổng hợp BCKT chung cần thống kê tóm tắt từng kết quả kiểm toán và từng kiến nghị kiểm toán trên cùng một biểu gồm hai cột tương ứng với kết quả và kiến nghị sẽ tránh được tình trạng BCKT có kết quả phát hiện nhưng không có kiến nghị và ngược lại.

"Vấn đề quan trọng khác là sự chỉ đạo chung khi tổ chức kiểm toán và năng lực của đội ngũ kiểm toán viên tham gia cuộc kiểm toán, đặc biệt là tham gia tổng hợp lập BCKT của cả chuyên đề. Do vậy, việc chỉ đạo, tập huấn trước khi kiểm toán, việc lựa chọn nguồn nhân lực để bố trí tham gia cần được tiến hành thận trọng" - đại diện KTNN khu vực VII lưu ý.
         
BCKT của đoàn kiểm toán được lập trên cơ sở những bằng chứng kiểm toán thích hợp, đánh giá công tâm, kết luận xác đáng, kiến nghị đảm bảo tính khả thi sẽ góp phần tăng tính hiệu lực của BCKT. Để đạt được những kết quả đó đòi hỏi cần có sự kết hợp hài hòa từ khâu lập, thẩm định kế hoạch kiểm toán đến giai đoạn thực hiện kiểm toán và cuối cùng là khâu lập BCKT.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Chú trọng công tác lập Báo cáo kiểm toán chung của kiểm toán chuyên đề