Kiểm toán quỹ tài chính ngoài ngân sách: Cần có lộ trình và đảm bảo khoa học, hiệu quả

(BKTO) - Các quỹ tài chính ngoài ngân sách (quỹ TCNNS) đóng vai trò quan trọng trong việc huy động thêm nguồn lực từ xã hội để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nhằm đánh giá toàn diện và cụ thể các quỹ TCNNS, từ đó đưa ra kiến nghị phù hợp, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán các quỹ này và tổ chức thực hiện một cách khoa học, hiệu quả.



Đã kiểm toán 19 quỹ tài chính ngoài ngân sách

Theo TS. Nguyễn Tuấn Trung - KTNN chuyên ngành VII và ThS. Nông Thị Lịch - KTNN chuyên ngành II, việc thành lập các quỹ TCNNS đã góp phần thu hút được các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Bên cạnh nguồn vốn được cấp từ ngân sách, Nhà nước còn tạo cơ chế cho các quỹ thu từ người lao động, doanh thu hoạt động của các tổ chức, nguồn ủy thác của các tổ chức tín dụng, các loại phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên và ủng hộ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân khác… Việc thành lập các quỹ TCNNS nhằm tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đặc thù trong từng lĩnh vực và từng thời kỳ. Do đó, khi các nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc có sự thay đổi trong điều hành và phát triển kinh tế đất nước, việc duy trì các quỹ cần phải được xem xét, đánh giá cụ thể.

Để góp phần xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ TCNNS, KTNN đã tổ chức kiểm toán các quỹ này thành một cuộc kiểm toán độc lập và tổ chức kiểm toán lồng ghép qua hoạt động kiểm toán về quản lý, sử dụng tài sản công tại các Bộ, ngành trung ương hoặc kiểm toán báo cáo quyết toán của các địa phương. Giai đoạn 2015-2020, KTNN đã kiểm toán 19 quỹ TCNNS, trong đó có 15 quỹ do trung ương quản lý như: Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu… và 4 quỹ do địa phương quản lý: Quỹ Phát triển đất, Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Bảo vệ rừng địa phương.

Công tác kiểm toán các quỹ nói trên phù hợp với định hướng phát triển chung của nền kinh tế nhằm xác định rõ thực trạng tài chính của các quỹ; xác định các bất cập về cơ chế, chính sách quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các quỹ TCNNS. Chất lượng kiểm toán công tác quản lý và sử dụng các quỹ ngày càng được nâng cao; KTNN đã có nhiều phát hiện và kiến nghị kiểm toán quan trọng góp phần gia tăng hiệu quả công tác quản lý, sử dụng các quỹ TCNNS.

Mặc dù vậy, công tác kiểm toán các quỹ TCNNS còn hạn chế, như chưa đánh giá được nhiều về cơ chế, chính sách của quỹ. KTNN chưa ban hành quy trình kiểm toán riêng cho việc kiểm toán các quỹ TCNNS nên việc kiểm toán quỹ áp dụng theo quy trình kiểm toán của KTNN.

Tăng dần số cuộc kiểm toán quỹ tài chính ngoài ngân sách

Để nâng cao chất lượng tổ chức kiểm toán nói chung và kiểm toán các quỹ TCNNS nói riêng, từ đó có những đánh giá toàn diện, cụ thể và đưa ra các kiến nghị phù hợp, Nhóm tác giả đề xuất KTNN cần xác định rõ các chỉ tiêu định lượng và mục tiêu cụ thể về kiểm toán các cấp ngân sách trung ương và địa phương, trong đó cụ thể hóa các quỹ TCNNS trực thuộc. Việc xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn về kiểm toán quỹ TCNNS sẽ tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức các cuộc kiểm toán. Đồng thời, KTNN cần kiện toàn về nhân sự, nhất là việc bố trí và sắp xếp kiểm toán viên có năng lực, trình độ và kỹ năng phân tích, tổng hợp trong thực hiện kiểm toán.

Kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN cần có lộ trình tăng dần số cuộc kiểm toán các quỹ TCNNS; các quỹ có quy mô lớn, quan trọng cần thực hiện kiểm toán hằng năm. KTNN hoàn thiện cách thức tổ chức kiểm toán quỹ TCNNS một cách khoa học, hiệu quả theo hướng tổ chức thành cuộc kiểm toán chuyên đề; nghiên cứu từ thực tiễn về hệ thống mẫu biểu hồ sơ áp dụng cho kiểm toán các quỹ TCNNS để thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện cũng như kiểm soát chất lượng kiểm toán; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin gắn với các phần mềm ứng dụng kiểm toán hiện đại và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Điều quan trọng là việc tổ chức kiểm toán các quỹ TCNNS cần đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, hữu ích cho Quốc hội, Chính phủ trong điều hành và quản lý kinh tế vĩ mô, nhất là trong hoạt động kiểm tra, giám sát của Quốc hội về việc sử dụng kinh phí các quỹ TCNNS; đáp ứng yêu cầu thiết thực và phù hợp với đặc điểm các quỹ này...

Để tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán quỹ TCNNS đáp ứng được các yêu cầu nói trên, cần tăng cường số lượng, chất lượng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên, chú trọng nâng cao nghiệp vụ kiểm toán quỹ. KTNN cần nâng cao hiệu quả phối hợp công tác với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như đơn vị được kiểm toán thông qua việc trao đổi thông tin kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả./.
         
Theo Nhóm tác giả, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ TCNNS, hệ thống pháp luật về quản lý quỹ cần được hoàn thiện. Cụ thể, Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Quản lý, sử dụng quỹ TCNNS, trong đó quy định rõ thẩm quyền thành lập quỹ, nguồn thu, nhiệm vụ chi, cơ cấu hoạt động, cơ chế tài chính... để bảo đảm khung pháp lý trong việc thống nhất quản lý các quỹ. Đồng thời, xem xét bãi bỏ một số quỹ hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn.
MINH ANH
Cùng chuyên mục
  • Thực thi các quy tắc đạo đức để đảm bảo chất lượng kiểm toán
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Thực tiễn cho thấy, chất lượng kiểm toán toán chịu sự chi phối bởi ý thức đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên (KTV). Sự tuân thủ đạo đức nghề nghiệp một cách chủ động và tận tâm của KTV sẽ tạo ra uy tín và chất lượng cho cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, việc thực thi hiệu quả đạo đức nghề nghiệp không chỉ phụ thuộc vào thái độ, ý thức, khả năng học hỏi của KTV…
  • Xây dựng Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ kỷ cương, liêm chính, chuyên nghiệp, đổi mới
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều 13/9, tại Trụ sở KTNN (116, Nguyễn Chánh, Hà Nội), Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB) đã tổ chức Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2025.
  • Malaysia: Đánh giá hiệu quả các chương trình của Chính phủ
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Vừa qua, Tổng Kiểm toán Malaysia đã công bố Báo cáo kiểm toán năm 2021 trình bày những kết quả của 9 cuộc kiểm toán hoạt động được thực hiện nhằm đánh giá một số chương trình, hoạt động và dự án do 8 Bộ triển khai. Báo cáo kiểm toán cho biết, về cơ bản, việc thực hiện các chương trình, hoạt động và dự án của Chính phủ Liên bang phù hợp với các mục tiêu, tuy nhiên, cũng có một vài điểm hạn chế, một số mục tiêu chưa đạt được, một số chương trình không đủ tài liệu để phục vụ công tác đánh giá toàn diện.
  • AFROSAI-E mở khóa học ứng dụng phân tích dữ liệu trong kiểm toán
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao nói tiếng Anh tại châu Phi (AFROSAI-E) vừa mở một khóa học trực tuyến thực tế dành cho kiểm toán viên có chủ đề: “Ứng dụng phân tích dữ liệu trong kiểm toán”.
  • Australia: Xem xét việc quản lý Quỹ xây dựng, phát triển các địa phương
    2 năm trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Vừa qua, Kiểm toán nhà nước Australia (ANAO) đã công bố thông tin về quá trình cấp tài trợ cho Quỹ xây dựng, phát triển các địa phương. Quỹ được thành lập theo một chương trình tài trợ công khai và cạnh tranh trị giá 1,38 tỷ USD do Bộ Cơ sở hạ tầng, Giao thông, Phát triển khu vực, Truyền thông và Nghệ thuật (gọi tắt là Bộ Cơ sở hạ tầng) quản lý theo Quy tắc và Hướng dẫn về các khoản tài trợ cho Khối Thịnh vượng chung (CGRG). Bắt đầu từ tháng 11/2016, đây là một trong những chương trình tài trợ đầu tiên được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Bộ Cơ sở hạ tầng và Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia.
Kiểm toán quỹ tài chính ngoài ngân sách: Cần có lộ trình và đảm bảo khoa học, hiệu quả