Hiệu quả kinh tế phải đặt lên hàng đầu
Góp ý vào Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với nhiều nội dung đã tiếp thu. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian qua, việc nghiên cứu mô hình chính quyền địa phương tại các đặc khu đã được dành thời lượng thích đáng song vấn đề kinh tế lại chưa được thảo luận kỹ. Trong khi mục tiêu chính của 3 đặc khu này là tạo ra hoạt động kinh tế, động lực kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực, tạo sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là ở các đặc khu. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên tập trung thảo luận sâu về khía cạnh kinh tế, tài chính, ngân sách.
Cần làm rõ hiệu quả của 3 đặc khu kinh tế. Ảnh tư liệu
Theo phân tích của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đã là kinh tế thì vấn đề hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Ba đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu được gì? Trong ngắn hạn, hiệu quả có thể chưa đem lại nhưng dài hạn phải thu được kết quả tích cực” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vấn đề hiệu quả của 3 đặc khu kinh tế.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ, tính toán cụ thể nguồn lực ngân sách đầu tư cho các đặc khu trong 3 năm tới của nhiệm kỳ này, 5 năm của nhiệm kỳ sau hay 10 năm sau là bao nhiêu, để đảm bảo nói phải đi đôi với thực hiện.
Liên quan đến chính sách ưu đãi thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: “Phải tính kỹ nếu không cẩn thận thì chẳng thu được gì nhiều lắm so với số chúng ta bỏ ra, thậm chí còn tạo ra gánh nặng cho ngân sách, nhất là sử dụng chính sách miễn, giảm, giãn một cách tràn lan”.
Chia sẻ ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh quan điểm, việc thành lập 3 đặc khu là để thu hút các dự án đầu tư và Nhà nước tạo cơ chế để thu hút chứ không phải để Nhà nước đổ tiền vào đây rồi giảm, miễn thuế. Vì vậy, Ban Soạn thảo cần xác định rõ ngân sách đầu tư vào đặc khu cụ thể là bao nhiêu để đảm bảo tính khả thi. “Mục đích cuối cùng là đặc khu ra để được cái gì đó, bỏ ra một đồng để thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng chứ không thể 10 năm, 20 năm tới ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Liên quan đến ưu đãi về đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát lại để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước, nhằm tạo môi trường, cơ hội bình đẳng cho DN Việt Nam có thể tham gia đầu tư.
Nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ lo lắng chính sách miễn, giảm, giãn thuế tràn lan có thể không tạo ra hiệu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cơ chế chính sách đặc biệt cho đặc khu phải đạt được 2 mục đích: một mặt là tạo điều kiện, môi trường để thu hút dự án đầu tư; mặt khác, dự án đầu tư vào đặc khu phải là dự án tốt, có chất lượng. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa có các biện pháp kỹ thuật sàng lọc để có được những dự án tốt, một số quy định về quy mô vốn đầu tư để được ưu tiên đã lạc hậu…
Đặc khu có thể bội chingân sách
Cùng với việc xem xét các quy định về chính sách ưu đãi đầu tư, hiệu quả kinh tế của các đặc khu, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến làm rõ hơn quy định về ngân sách của đặc khu.
Theo Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, ngân sách đặc khu là một cấp thuộc hệ thống NSNN, tương đương ngân sách cấp huyện. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, ngân sách đặc khu tương đương cấp huyện thì sẽ “phá sản” ngay, vì cấp huyện thì quyền hạn sẽ không đủ. Ông Giàu đề xuất nên giữ ngân sách đặc khu tương đương cấp tỉnh để Quốc hội có thể giám sát được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, các đặc khu cần lập dự toán thu, chi, bội chi theo NSNN; nên có quy định trong 10 năm ngân sách thu không điều tiết, để lại toàn bộ, số tăng thu cũng để lại cho đặc khu trong 10 năm để lấy nguồn lực đầu tư. Đồng thời, chính quyền đặc khu phải chịu trách nhiệm toàn bộ về chi thường xuyên, từ giáo dục, y tế, bộ máy… Ngân sách T.Ư sẽ tính toán để hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho đặc khu chứ không qua ngân sách tỉnh. Các đặc khu có thể bội chi đến 90% so với tổng nguồn thu trên địa bàn. “Nếu không có những đột phá mạnh mẽ thì đặc khu cũng không có gì đặc thù, mới mẻ về vấn đề ngân sách” - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý thêm, đặc khu có thể bội chi ngân sách, nhưng phải theo quy định của Luật Đầu tư công, mức bội chi hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN và Luật Quản lý nợ công.
Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được tiếp thu, hoàn chỉnh, trình Quốc hội cho xem xét, thông qua.
NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 19-4-2018