Đột phá trong quan hệ hợp tác Việt Nam - EU

(BKTO) - Với việc Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ được phê duyệt trong những tháng tới, ông Bruno Angelet - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam bình luận, năm 2018 là thời điểm chuyển biến tạo bước ngoặt đột phá cho quan hệ hợp tác bền chặt hơn nữa giữa Việt Nam và EU.



Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn

Trong Sách Trắng 2018 vừa được công bố, các chuyên gia của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) nhấn mạnh, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh để trở thành điểm đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn, bao gồm: chi phí sản xuất cạnh tranh, vị trí thuận lợi nằm ngay tại trung tâm Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ và tiêu dùng nội địa gia tăng.

Lý do nữa khiến Việt Nam ngày càng trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn là những nỗ lực của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, gia tăng thu hút FDI. “Chúng tôi cũng đánh giá cao cách tiếp cận mang tính xây dựng, kiến tạo và cởi mở của Chính phủ khi đề cao vai trò thiết yếu của DN, xem DN là đối tác trong thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế quốc gia” - Sách Trắng 2018 nêu rõ.

Mặt khác, thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra các chính sách kinh tế vĩ mô tốt và duy trì lạm phát ở mức một con số. Môi trường ổn định này củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Gần đây, báo cáo của PwC cũng đã nhấn mạnh rằng, môi trường chi phí thấp, triển vọng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và nền kinh tế theo hướng ít điều tiết đã biến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Thực tế, Việt Nam đã nâng 14 hạng theo Báo cáo Doing Business mới nhất của Ngân hàng Thế giới, đứng thứ 68 trong tổng số 190 nền kinh tế trên thế giới về mức độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vào năm 2017.

Những yếu tố trên đã tạo thuận lợi cho việc gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là dòng vốn FDI từ EU. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 8/2017, các công ty châu Âu có gần 2.500 dự án đầu tư đã đăng ký với tổng giá trị 44 tỷ USD. Các dự án này chiếm 10% tổng vốn FDI và 14% tổng vốn FDI đã thu hút được. Trong khi đó, Việt Nam cũng là đối tác thương mại quan trọng của EU tại ASEAN, chỉ sau Singapore.

Động lực mới đến từ EVFTA

Ông Gellert Horvath - Chủ tịch Eurocham - cho rằng, một tương lai tươi sáng đang chờ đón quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam. Một khi được phê duyệt và có hiệu lực, EVFTA sẽ mang đến những lợi ích kinh tế to lớn cho hoạt động đầu tư và thương mại, tạo ra lực đẩy khổng lồ cho cả Việt Nam và EU, bắt đầu từ việc giảm dần thuế quan đối với rất nhiều loại hàng hoá.

Theo đó, Hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ trên 99% các dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào EU. Số thuế nhỏ còn lại được tự do hoá một phần thông qua các hạn ngạch miễn thuế. Vì Việt Nam là một nước đang phát triển, 65% giá trị hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam sẽ được tự do hóa, chiếm khoảng một nửa tổng số dòng thuế, tại thời điểm có hiệu lực và những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ trong vòng 10 năm tới. Đây là việc xóa bỏ thuế quan nhanh chưa từng có đối với một quốc gia như Việt Nam. Điều này cũng chứng minh mục tiêu hội nhập và mối quan hệ thương mại sâu rộng hơn nữa giữa Việt Nam và EU.

Do đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tính tăng 0,5% mỗi năm và kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng khoảng 4 - 6% mỗi năm. Cụ thể, Việt Nam dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ nhờ Hiệp định này với tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cao hơn 2,5% vào năm 2020, cao hơn 4,6% vào năm 2025 và cao hơn 4,3% vào năm 2030 so với bối cảnh không có Hiệp định. Theo đó, dự báo, Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD vào năm 2020; 6,7 tỷ USD vào năm 2025 và 7,2 tỷ USD vào năm 2030. Điều này cũng sẽ làm tăng đáng kể mức lương thực tế và thu nhập hộ gia đình ở Việt Nam.

Các chuyên gia EU cũng nêu thêm một lợi thế, Việt Nam và EU được xem là 2 thị trường bổ sung hỗ trợ nhau, trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hoá mà EU không thể hoặc không tự sản xuất được như thủy sản, trái cây nhiệt đới…, còn hàng hóa nhập khẩu từ EU là những mặt hàng Việt Nam không sản xuất trong nước.

Ngoài Việt Nam thì Singapore cũng là quốc gia trong khu vực đã ký một FTA với EU vào năm 2014. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong quan hệ thương mại với EU. Nguyên nhân là Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng dệt may, giày da, nông sản…, trong khi mặt hàng xuất khẩu chính của Singapore lại là máy móc, hóa chất và thiết bị vận tải.

Một khuyến nghị quan trọng được nêu trong Sách Trắng 2018 là nhân cơ hội khi EU đang trong quá trình thúc đẩy các thủ tục thương lượng FTA với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Việt Nam nên tận dụng thời điểm vàng này một cách hiệu quả nhất để trở thành trung tâm đầu tư trong khu vực trước khi các nước khác ký kết FTA với EU.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 22-3-2018
Cùng chuyên mục
  • Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư trong nhiều năm tới
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Đó là khẳng định của GS,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, trong cuộc trao đổi với Báo Kiểm toán mới đây.
  • Các thương vụ phát huy vai trò ngoại giao kinh tế
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Bộ Công Thương tổng kết, trong 2 năm 2016 và 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 15%/ năm. Kết quả đó một phần là nhờ các thương vụ ở nước ngoài đã chủ động triển khai hiệu quả hoạt động chuyên môn, tìm hiểu thị trường sở tại và thông tin kịp thời để Nhà nước có đối sách phù hợp, cũng như hỗ trợ tốt cho các DN.
  • BHXH Việt Nam:  Nơi lan tỏa sắc màu công nghệ thời 4.0
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) là điểm nhấn quan trọng trong năm 2017. Với nhiều kết quả ấn tượng, nổi bật, những “kỳ tích” từ CNTT của ngành đã được các cơ quan, tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao; được người dân, DN ghi nhận và tin tưởng.
  • Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần hạn chế những tác động  tiêu cực cho thị trường lao động
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tại Dự thảo Tờ trình về sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất 2 phương án về tuổi nghỉ hưu (giữ nguyên như hiện nay hoặc nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nam lên 62, nữ lên 60). Đề xuất này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội với những luồng ý kiến trái chiều. Song qua các khảo sát, đánh giá cho thấy việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và phù hợp với xu thế chung.
  • Hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Để nông nghiệp hữu cơ (NNHC) có thể phát triển bền vững theo xu thế hội nhập, Việt Nam cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đất đai, nguồn vốn ưu đãi... Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn quốc tế: “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: phát triển và hội nhập” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam tổ chức mới đây, tại Hà Nội.
Đột phá trong quan hệ hợp tác Việt Nam - EU