Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng: Cần thận trọng và phù hợp thực tiễn

(BKTO) - Với quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đảm bảo thể chế hóa đường lối của Đảng, khắc phục được những bất cập trong thực tế công tác PCTN hiện nay; tạo ra những cơ sở pháp lý mới có tính khả thi và hiệu quả, tại phiên họp sáng 11/4, cho ý kiến về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tập trung thảo luận, làm rõ hơn các quy định liên quan đến phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý…



Mở rộng phạm vi điều chỉnh theo lộ trình

Một trong những nội dung mà cơ quan thẩm tra và nhiều đại biểu quan tâm trong Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước.

Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW là “từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài nhà nước”; đồng thời, bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 và đáp ứng yêu cầu tại Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Về nội dung các quy định PCTN trong khu vực ngoài nhà nước, Uỷ ban Tư pháp cũng tán thành việc Dự thảo Luật mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội (không áp dụng đối với Quỹ đầu tư). Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, có tác động tích cực, thúc đẩy hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước.

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải tham gia ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Đồng tình về sự cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước, song đa số ý kiến tại phiên thảo luận cho rằng, quy định này cần cân nhắc thận trọng và có bước đi phù hợp để đảm bảo tính khả thi. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề: Chủ trương của Đảng là từng bước mở rộng PCTN ra khu vực ngoài nhà nước, vậy trong Luật này mở rộng từng bước là đến đâu cần phải làm rõ.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiến niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng thống nhất quan điểm cho rằng, việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước phải “liệu cơm gắp mắm”, đi từng bước để phù hợp với nguồn lực hiện có. Bởi thực tế, việc PCTN hiện nay trong khu vực nhà nước đã rất khó khăn, “vừa làm, vừa dò dẫm, vừa sửa” nếu mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước liệu có làm tốt và có khả thi hay không? “Tôi đề nghị cần hết sức cân nhắc, thận trọng, có lộ trình và đặc biệt là phải có quy trình, thủ tục, đối tượng, như thế nào cần ghi rõ ràng trong Luật”- Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói.

Băn khoăn về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập

Quy định về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan đơn vị (ngoài các cơ quan, tổ chức Đảng) trong Dự thảo Luật cũng là nội dung còn nhiều tranh cãi. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án. Phương án 1: Giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ nơi không có cơ quan thanh tra tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,9 công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Phương án 2: Giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương; người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại các cơ quan này thì giao cho thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ nơi không có cơ quan thanh tra của cơ quan, đơn vị đó, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập. Giao cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, KTNN, cơ quan T.Ư của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại ngành hoặc cơ quan, tổ chức này. Giao cho Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Với 2 phương án trên, Chính phủ đề nghị lựa chọn phương án 1, đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp tán thành với phương án 2. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra sẽ dẫn đến quá tải với cơ quan này trong trường hợp không bổ sung thêm biên chế, bộ máy. Ngược lại, nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng về tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Để phù hợp bối cảnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nên giữ nguyên quy định hiện hành, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập, PCTN. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh, PCTN là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của mọi cán bộ công chức, viên chức. Trong mỗi cơ quan, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu, trong đó có trách nhiệm về kiểm soát thu nhập, với các cơ quan chuyên môn như: thanh tra Bộ, ngành; thanh tra, kiểm tra Đảng. Do đó, nên kết hợp giữa quy định hiện hành và giao cơ quan thanh tra làm đầu mối, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý tài sản, thu nhập để đảm bảo tính thống nhất trong cả hệ thống chính trị, đồng thời, ràng buộc được trách nhiệm của người đứng đầu.

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo quy trình 3 kỳ họp.

NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 12-4-2018
Cùng chuyên mục
Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng: Cần thận trọng và phù hợp thực tiễn