Nghi thức cắt băng "Đưa nhãn lồng và nông sản Hưng Yên vào các hệ thống phân phối". Ảnh: BCT |
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành và 25 tỉnh, thành phố trong nước; đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và hơn 200 tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước; các hợp tác xã, nhà vườn của tỉnh Hưng Yên.
Hội nghị nhằm tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhãn và các nông sản đặc trưng, thế mạnh của tỉnh tới người tiêu dùng, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của nông sản Việt ở thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 2022, toàn tỉnh có trên 5 nghìn ha trồng nhãn. Năm nay, nhãn lồng Hưng Yên thu hoạch muộn hơn mọi năm nhưng vẫn là một năm được mùa. Sản lượng nhãn toàn tỉnh ước đạt 45-47 nghìn tấn, trong đó 70% sản lượng được truy xuất nguồn gốc xuất xứ; 45-50% sản lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Không chỉ có nhãn lồng, Hưng Yên còn có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đã và đang được người tiêu dùng Việt Nam, cũng như một số quốc gia trên thế giới tin dùng như chuối tiêu hồng, cam và các loại quả có múi, nghệ tươi, tinh bột nghệ, vải lai chín sớm, vải trứng, long nhãn, mật ong hoa nhãn…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, những năm qua, tỉnh Hưng Yên luôn chú trọng xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tổ chức thành công nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối người sản xuất, hợp tác xã với các kênh tiêu thụ trong và ngoài nước, góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả cho người dân.
Công tác phát triển thị trường đối với sản phẩm nhãn nói riêng và hàng nông sản nói chung của tỉnh đã đạt được các kết quả rất tích cực. Thông qua các hệ thống phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử, các mặt hàng nông sản của tỉnh đã được phân phối rộng rãi đến người tiêu dùng trên cả nước, đồng thời thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc, ASEAN… và chinh phục các thị trường mới, có tiêu chuẩn cao như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu tỉnh Hưng Yên khẩn trương quán triệt và triển khai có hiệu quả Đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch, trong đó cần chú trọng làm tốt việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu của thị trường; quy hoạch, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi; tổ chức sản xuất đạt chuẩn an toàn sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Đồng thời hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ, tổ chức tốt việc kết nối, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa các hộ gia đình, hợp tác xã với các doanh nghiệp phân phối, kênh siêu thị và doanh nghiệp xuất khẩu, bảo đảm chủ động, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường, định hướng sản xuất; chủ động nắm bắt tình hình và chuẩn bị các phương án xử lý, cách làm hiệu quả cho việc tiêu thụ nhãn và nông sản trong mọi tình huống.
Về lâu dài, tỉnh cần tập trung hình thành, phát triển các chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và xuất khẩu theo ngành hàng; tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng các kênh phân phối (cả truyền thống và hiện đại; cả trực tiếp và trực tuyến) nhằm chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản./.