Chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng bứt phá xuất khẩu thủy sản trong năm 2023

(BKTO) - Năm 2022, ngành thủy sản ghi nhận nhiều kỷ lục, nổi bật là doanh số xuất khẩu đạt 11 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử của ngành. Là người phụ trách, theo dõi và trực tiếp có những chỉ đạo đối với ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chia sẻ với Báo Kiểm toán về một số nguyên nhân cơ bản đưa đến kết quả này, bài học kinh nghiệm được rút ra, cũng như định hướng để phát triển ngành thủy sản trong năm 2023.

10-thu-tuong-phung-duc-tien.jpg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: PHỐ HIẾN

Năm 2022, ngành thủy sản đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, vậy theo ông, đâu là những nguyên nhân để chúng ta có được thành công này?

Điểm nổi bật của ngành thủy sản năm 2022 là giá trị xuất khẩu đạt 11 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử. Trong đó: Tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra đạt 2,4 tỷ USD, cá ngừ đạt trên 1 tỷ USD… Có thể nói, để đạt được những kết quả này do nhiều yếu tố như: Thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát; sự chủ động và linh hoạt của chuỗi sản xuất thủy sản theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp và người dân đã chủ động khai thác hiệu quả những lợi thế của ngành trong năm 2022, cụ thể như sau:

Thứ nhất, lợi thế từ nhu cầu của thị trường hồi phục sau đại dịch. Thứ hai, giá xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang các thị trường đều tăng từ 20-50%. Thứ ba, sự trở lại của các hoạt động xúc tiến thương mại sau một thời gian dài bị giãn cách bởi dịch Covid-19, do đó, đã thúc đẩy rất mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường; đặc biệt là sự kiện Vietfish năm 2022, thu hút lượng khách hàng rất đông đảo và sự tham dự của các doanh nghiệp thủy sản đối với các sự kiện lớn trên thế giới như: Mỹ, châu Âu, Trung Đông… Tiếp đó là lợi thế về thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đang thực hiện… Đó là một số yếu tố góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trong năm 2022.

Phân tích cụ thể hơn, ngành thủy sản đã sớm đưa ra kịch bản, các đối sách để tháo gỡ những khó khăn, thách thức năm qua. Trong bối cảnh xăng dầu tăng thì ngành đã giảm/điều chỉnh nghề khai thác cho phù hợp, tăng sản lượng và đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng. Bên cạnh đó, nhiều thành tựu khoa học công nghệ được áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành hàng… Đặc biệt, tại thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy thì ngành đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, đặc biệt là các nước có liên quan đến các FTAs mà các mặt hàng thủy sản đã, đang và sẽ có lợi thế.

Góp chung vào kết quả đó còn là nhờ sự linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong việc cơ cấu sản phẩm và cơ cấu thị trường, phù hợp với biến động từng giai đoạn trong năm. Từ đó, đã tạo đà để thúc đẩy xuất khẩu tăng rất mạnh mẽ trong năm vừa qua.

Động lực nào để ngành thủy sản vẫn đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trong năm 2023, thưa ông?

Năm 2023 được dự báo là năm có nhiều khó khăn cho các hoạt động sản xuất nói chung, trong đó có ngành thủy sản. Nhiều lợi thế của năm 2022 đang mất dần và dự báo tiếp tục khó khăn trong các tháng đầu năm 2023 do ảnh hưởng từ xung đột giữa các quốc gia vẫn đang tiếp diễn, nhu cầu tiêu dùng giảm, lạm phát đã ngấm sâu vào tất cả các lĩnh vực trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, với kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống… tôi tin rằng năm 2023 chúng ta vẫn có thể đạt được con số 10 tỷ USD.

Mặc dù ngay tháng 01/2023, xuất khẩu tiếp tục bị sụt giảm bởi hiện nay các đơn hàng mới chưa có nhiều. Tuy nhiên, chúng ta đã chủ động dự báo tình hình, cân đối sản xuất, tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống, không ngừng tiếp cận với các thị trường mới để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đáng chú ý, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã giảm thuế đối với một số mặt hàng thủy sản và thủy sản chế biến về mức 0%. Đây là cơ hội rất lớn để thủy sản Việt Nam có thể tiếp cận thị trường rộng lớn này.

Việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong tình hình mới và sử dụng hiệu quả hơn các sản phẩm phụ để kéo dài thêm chuỗi giá trị… sẽ góp phần duy trì ổn định, tạo đà bứt phá xuất khẩu khi cơ hội đến trong năm 2023.

Chúng tôi cũng hy vọng là thị trường sẽ sớm phục hồi, kinh tế các nước cũng hồi phục nhanh, khi đó chúng ta sẽ có đà để xuất khẩu trở lại. Nếu như chúng ta chuẩn bị sẵn được nguồn nguyên liệu cũng như nguồn lực, kể cả nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì sẽ sẵn sàng trở lại sản xuất khi thị trường hồi phục. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu năm 2023.

Ông có nhận định ra sao về thách thức doanh nghiệp thủy sản trong nước đang gặp phải và đưa ra những khuyến nghị gì cho doanh nghiệp?

Như tôi đề cập, doanh nghiệp cũng rất linh hoạt, tuy nhiên, giai đoạn quý IV/2022, và quý I/2023, sẽ có những khó khăn về thị trường. Điều này sẽ dẫn đến những việc như: Chậm giao hàng, đề nghị lùi giao hàng…, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ phải lưu kho dẫn đến chi phí nhiều hơn và cũng ảnh hưởng đến việc thu mua nguồn nguyên liệu cho bà con nông dân. Khi mà đơn hàng khó khăn cũng dẫn đến việc bà con hạn chế nuôi, hoặc là hạn chế đi đánh bắt. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc khi thị trường hồi phục có thể sẽ bị thiếu hụt về vùng nguyên liệu.

Tiếp đó là khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp và nông dân. Nếu các ngân hàng thương mại nhìn vào khả năng kinh doanh, không mạnh dạn để cho bà con ngư dân vay vốn đầu tư trong tương lai thì càng gây hiệu ứng khó khăn chồng chất thêm và đặc biệt là khi thị trường hồi phục thì chúng ta không có đà để phát triển trở lại.

Do đó, ngoài việc khắc phục những khó khăn nêu trên, để linh hoạt, thích ứng với thị trường, các doanh nghiệp cần tăng cường đa dạng hóa mặt hàng thủy sản chế biến, ngoài các mặt hàng truyền thống là tôm và cá, thì cần chú trọng hơn với các mặt hàng khác, nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới sau dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu các quy định ưu đãi và tiêu chuẩn chất lượng từ các thị trường tiềm năng; từ đó, điều chỉnh hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản phù hợp để vượt qua các rào cản thương mại trong bối cảnh hậu Covid-19.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Năm 2023, Tổng cục Thủy sản đề ra mục tiêu, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD.

Cùng chuyên mục
Chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng bứt phá xuất khẩu thủy sản trong năm 2023