Chuẩn bị nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng vận hành đường sắt cao tốc

(BKTO) - Với tinh thần tự chủ, tự lực, ngành đường sắt đang tập trung cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm hiện thực hóa mục tiêu làm chủ công nghệ trong vận hành đường sắt tốc độ cao. Ông Hoàng Gia Khánh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có những chia sẻ với Báo Kiểm toán xung quanh vấn đề này.

10-thay.png
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Thưa ông, khi bàn về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, quan điểm của Trung ương cũng như các đại biểu Quốc hội đặt niềm tin rất lớn vào doanh nghiệp Việt Nam trong nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ. Từ góc độ đơn vị, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trước đó, Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam với tốc độ 350km/h, vốn đầu tư 67,3 tỷ USD, thời gian thực hiện đến năm 2035. Đây là niềm mong mỏi của người dân Việt Nam và cũng là niềm vui lớn đối với ngành đường sắt; là cơ hội để ngành đường sắt nâng tầm và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng mà chúng ta phải tính trước, làm sao để đào tạo đủ các lĩnh vực phục vụ thực hiện Đề án đường sắt tốc độ cao. Đặc biệt, công tác đào tạo nguồn nhân lực phải khớp với tiến độ xây dựng, hoàn thành, bàn giao để quản lý vận hành.

Ông Hoàng Gia Khánh

Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước khi xây dựng và triển khai đường sắt tốc độ cao, đó là phát huy tối đa nội lực, tự chủ, tự cường, tự hào dân tộc, không quá lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Những gì doanh nghiệp trong nước có thể tự làm được và làm tốt, thì sẽ ưu tiên để doanh nghiệp trong nước làm, ví dụ như phần hạ tầng: cầu đường, cầu cạn, hầm, nhà ga, hệ thống điện... Với những công nghệ khó thì chúng ta sẽ nhập khẩu, hợp tác để chuyển giao công nghệ, dần dần phát triển công nghiệp đường sắt trong nước.  

Từ quan điểm đó, hiện tại, ngành đường sắt đang khẩn trương tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực để sẵn sàng cho việc nhận chuyển giao công nghệ, đón đầu cơ hội để tạo bứt phá trong phát triển công nghiệp đường sắt. Chúng tôi xác định việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng mà chúng ta phải tính trước, làm sao để đào tạo đủ các lĩnh vực phục vụ thực hiện Đề án đường sắt tốc độ cao. Đặc biệt, công tác đào tạo nguồn nhân lực phải khớp với tiến độ xây dựng, hoàn thành, bàn giao để quản lý vận hành.

Xin ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực của ngành đường sắt để bảo đảm đón đầu công nghệ và vận hành hiệu quả Dự án này?

Tôi cho rằng, trước hết chúng ta phải lập đề án khoa học về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đường sắt trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng và học tập kinh nghiệm quốc tế. Điều quan trọng là phải phân ra đào tạo lứa đầu cho giảng viên, nhân lực cho các lĩnh vực lõi, từ lứa đầu có thể nhân rộng ra bằng nhiều cách thức là đào tạo trong nước, nước ngoài, đào tạo hỗn hợp kết hợp giữa trong và ngoài nước. Các lĩnh vực đào tạo phục vụ cho đường sắt mới và đường sắt tốc độ cao rất nhiều như: đào tạo để phục vụ công tác xây lắp; đào tạo phục vụ cho công tác bảo trì, quản lý, vận hành, khai thác; thông tin tín hiệu… Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo phải phân cấp, phân kỳ, phân lộ trình để tuyển dụng và đào tạo; có những lĩnh vực chúng ta phải đào tạo lại, đào tạo trên nền tảng nhân lực đang công tác trong ngành đường sắt và có những lĩnh vực thì phải tuyển mới.

Hiện nay, nguồn nhân lực cho ngành đường sắt chủ yếu do Trường Cao đẳng đường sắt đào tạo. Đây là nơi cung cấp chính, đào tạo nguồn nhân lực cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam và cho ngành đường sắt hiện nay. Thời gian qua, Trường đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo như liên kết đào tạo để cấp bằng trình độ đại học và trên đại học cho học viên. Trong đề án tái cơ cấu và các bước sắp tới, chúng tôi đang đưa ra lộ trình để nâng cấp Trường thành Học viện đường sắt để đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực ngày càng cao nhằm vừa đáp ứng cho ngành đường sắt, đường sắt đô thị, đặc biệt là sẵn sàng cho vận hành đường sắt tốc độ cao trong tương lai.

Nhân sự phục vụ đường sắt tốc độ cao hiện có 4 lĩnh vực chính gồm: Kỹ thuật xây dựng đường sắt tốc độ cao; cơ khí đường sắt tốc độ cao; kỹ thuật điều khiển tự động và thông tin tín hiệu đường sắt tốc độ cao. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện đang tập trung đào tạo cả 4 lĩnh vực thì mới đáp ứng được cho công tác vừa xây dựng, vừa bảo trì, vừa quản lý vận hành khai thác.

Để đáp ứng được nhiệm vụ nặng nề này, chúng tôi kiến nghị áp dụng cơ chế đặt hàng về đào tạo để bổ sung nguồn lực và đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho vận hành các tuyến đường sắt mới cũng như đường sắt tốc độ cao.

Cùng với việc phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường của doanh nghiệp trong nước, Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định cơ chế đặc thù về sự tham gia, đồng hành của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong các khâu triển khai Dự án, nhằm hạn chế lãng phí, tiêu cực, bảo đảm chất lượng, tiến độ Dự án. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật Đầu tư công năm 2019 đã dành chương IV quy định các nội dung về thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra, giám sát kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Mặc dù đường sắt tốc độ cao là một đại dự án với tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt và đã được Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, việc triển khai Dự án này vẫn phải nằm trong các khuôn khổ của luật pháp. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm rằng để Dự án được triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ, hạn chế lãng phí, tiêu cực thì không thể thiếu sự đồng hành của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, giám sát.

Là một trong những đơn vị được giao quản lý vốn, tài sản công và được KTNN thực hiện kiểm toán, chúng tôi đánh giá cao những ý kiến tư vấn, kiến nghị của KTNN đối với công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản công của đơn vị. Kết luận, kiến nghị của KTNN đã được thông tin công khai, minh bạch để nhân dân được biết và được gửi đến các đơn vị được kiểm toán, trong đó có nêu rõ tính chất, mức độ của các sai sót. Các nội dung kết luận của KTNN đều đã chỉ ra đúng và trúng các vấn đề, chỉ rõ nguyên nhân và kiến nghị đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, khắc phục. Với tinh thần cầu thị, từ các kết luận, kiến nghị của KTNN, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục và đúc rút các bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác điều hành, quản lý.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
Chuẩn bị nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng vận hành đường sắt cao tốc