“Chúc KTNN Việt Nam hoàn thành trọng trách, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng ASOSAI”

(BKTO) - Nhân chuyến công tác của Đoàn chuyên gia quốc tế đến thăm và làm việc tại KTNN Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án Hiện đại hóa tài chính công (EU-PFMO), đúng vào dịp KTNN Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị hướng tới Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây và cũng là thời điểm cận kề cái Tết cổ truyền của Việt Nam, bà Hélène Magnier - Trưởng Đoàn công tác - đã chia sẻ với Báo Kiểm toán xung quanh những nhiệm vụ, sự ủng hộ và hỗ trợ đối với KTNN Việt Nam.



         

   Bà Hélène Magnier. Ảnh: NGUYỄN LỘC
Thưa bà, cảm nhận của bà như thế nào khi tới thăm và làm việc tại Việt Nam lần này?

- Với tư cách là Kiểm toán viên cao cấp của Tòa Thẩm kế Pháp, đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội đến thăm và làm việc cùng các Kiểm toán viên của KTNN Việt Nam. Tôi cảm thấy rất xúc động trước yêu cầu phỏng vấn và lấy làm vui mừng khi được chia sẻ những quan điểm của bản thân về thực tiễn chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp của mình.

Được biết, chuyến công tác của bà lần này nằm trong khuôn khổ Dự án EU-PFMO, bà có thể cho biết cụ thể hơn về sự hỗ trợ của bà và các chuyên gia quốc tế dành cho KTNN Việt Nam?

- Đến Việt Nam lần này trong khuôn khổ của Dự án EU -PFMO, chúng tôi sẽ trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về quản lý nguồn nhân lực, tiến hành nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu để xây dựng một bản đánh giá công tác nhân sự của KTNN so với thông lệ quốc tế. Hoạt động này nhằm tập trung làm rõ tình trạng hiện tại và đưa ra những khuyến nghị liên quan đến công tác quản lý nhân sự cho KTNN.

Chúng tôi cảm thấy rất thú vị khi được thảo luận với các chuyên gia của KTNN, lắng nghe những kỳ vọng nghề nghiệp của họ và trao đổi ý kiến ​​từ quan điểm đồng nghiệp với nhau. Điều quan trọng là chúng tôi sẽ cùng nỗ lực để cụ thể hóa các bước thực hiện cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của KTNN. Sau đợt công tác lần này, chúng tôi sẽ đưa ra được một báo cáo đánh giá hoàn chỉnh và chi tiết về công tác nhân sự của KTNN, trong đó chỉ ra các khoảng trống giữa thực trạng của KTNN và các chuẩn mực, thông lệ tốt quốc tế liên quan đến việc quản lý nhân sự, đồng thời có những kiến nghị về công tác nhân sự đối với KTNN Việt Nam.

Qua trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc với đại diện KTNN Việt Nam mới đây, bà có lời khuyên gì đối với KTNN Việt Nam trong công tác nhân sự?

- Vấn đề tăng cường công tác nhân sự là mối quan tâm chung của cả Tòa Thẩm kế Pháp và KTNN Việt Nam. Chúng ta cần nghiên cứu, tham khảo tài liệu và hướng dẫn của INTOSAI, trong đó đặt ra các tiêu chuẩn và thực tiễn tốt nhất những vấn đề liên quan đến tuyển dụng, đào tạo, thẩm định kết quả hoạt động, quy tắc đạo đức ...

Mục tiêu quan trọng của Dự án EU - PFMO là hiện đại hóa tài chính. Ngoài việc hỗ trợ công tác nhân sự cho KTNN Việt Nam từ thực tiễn hoạt động của Tòa Thẩm kế Pháp, bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong giám sát, quản lý tài chính công?

- Cũng như KTNN Việt Nam, Tòa Thẩm kế Pháp là một thành viên của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) với 4 chức năng chính gồm: kiểm toán tài chính và hoạt động, xét xử, xác nhận tài khoản công, đánh giá.
         
Bà Hélène Magnier là Kiểm toán viên cao cấp tại Tòa Thẩm kế Pháp (French Cour des Comptes), đồng thời giữ vai trò Thẩm phán tài chính - một chức danh đặc biệt của Tòa Thẩm kế Pháp cho thẩm quyền phán xét. Bà Magnier đã từng là thành viên Đoàn Kiểm toán bên ngoài của Liên Hợp Quốc (EU) và UNESCO và là Tư vấn Kinh tế tại Đại Sứ quán Pháp tại Trung Quốc (Bắc Kinh) phụ trách lĩnh vực công nghiệp và phi tài chính. Bà cùng các chuyên gia quốc tế đang hỗ trợ công tác nhân sự cho KTNN trong khuôn khổ Dự án EU-PFMO - Hỗ trợ tăng cường năng lực cho KTNN Việt Nam, do phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đồng tài trợ.

Tại Pháp, Tòa Thẩm kế Pháp tham gia vào nỗ lực toàn cầu nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình báo cáo tài chính và giám sát quản lý tài chính công. Tòa của chúng tôi mang lại lợi ích từ việc bảo đảm về tính độc lập thậm chí còn mạnh hơn các đảm bảo khác theo yêu cầu của tiêu chuẩn INTOSAI, như Tuyên bố Lima đã nhấn mạnh rằng các cơ quan kiểm toán tối cao phải “độc lập” với tổ chức được kiểm toán và được bảo vệ chống lại những ảnh hưởng bên ngoài.

Như bất kỳ các SAI khác, ngoài việc thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán tài chính hoặc kiểm toán tuân thủ, Tòa Thẩm kế Pháp còn được trao những năng lực, thẩm quyền đặc biệt có tính chất xét xử, cho phép Tòa tự xử lý các vụ việc lạm dụng tài chính công. Hơn nữa, công tác tổ chức, thực hiện và đặc điểm của Tòa được mô hình hóa theo như mô hình của các tòa án hình sự và dân sự, cho phép Tòa hoàn toàn độc lập và tự chủ đối với Chính phủ hoặc Quốc hội. Các thành viên cấp cao của Tòa mang tư cách thẩm phán. Điều này giúp bảo vệ họ tránh khỏi mọi ảnh hưởng bên ngoài. Tòa Thẩm kế Pháp còn được tự do lên chương trình, tự chủ hoàn toàn trong các cuộc kiểm toán mà Tòa thực hiện hằng năm.

Để đảm bảo rằng các thành viên của Tòa Thẩm kế Pháp tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất về tính công bằng và độc lập, Tòa đã ban hành một đạo luật mới về chống xung đột lợi ích áp dụng cho kiểm toán viên và tiến hành sửa đổi lại bộ quy tắc đạo đức.

Vào tháng 9/2018, KTNN Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội ASOSAI 14 tại Hà Nội. Điều đó đồng nghĩa với việc KTNN Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024, bà đánh giá như thế nào về sự kiện này? Theo bà, KTNN Việt Nam cần làm gì để đảm đương tốt vai trò này và hội nhập sâu hơn với thế giới?

Đại hội ASOSAI là diễn đàn hợp tác đa phương lớn nhất và là sự kiện lớn nhất của tổ chức ASOSAI. Việc đăng cai, chủ trì tổ chức ĐH ASOSAI 14 vào tháng 9 năm nay được xem là một sự công nhận của quốc tế đối với KTNN Việt Nam. Đây chắc chắn sẽ là cơ hội để KTNN Việt Nam làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đa phương với các tổ chức kiểm toán tối cao châu Á khác, qua đó khẳng định vị trí, vai trò của mình trên diễn đàn khu vực và thế giới.

Với sự chuẩn bị tích cực và chu đáo của KTNN Việt Nam, tôi tin tưởng rằng các bạn sẽ tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14. Đây sẽ là diễn đàn thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất giữa các SAI.

Đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 cũng đồng nghĩa với việc KTNN Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024. Dựa trên kinh nghiệm của Tòa Thẩm kế Pháp trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế, tôi cho rằng, để hoàn thành tốt vai trò này, KTNN Việt Nam có thể đề xuất việc xây dựng cơ sở dữ liệu, trong đó tất cả các SAI trong khu vực có thể gửi kết quả kiểm toán theo các lĩnh vực chủ đề (mua sắm công, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin...), điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc trao đổi các thực tiễn tốt nhất giữa các SAI. Bên cạnh đó, KTNN Việt Nam có thể đề xuất thực hiện các cuộc kiểm toán phối hợp về các chủ đề xuyên biên giới cùng với một số SAI trong khu vực; tổ chức một hội thảo về vai trò của các SAI trong việc thông báo cho người dân và công bố các kết quả kiểm toán. Đây là một phần rất quan trọng trong nhiệm vụ của SAI.

Cuối cùng, nhân dịp Việt Nam sắp đón Tết cổ truyền và bước vào năm mới, thay mặt cho Đoàn chuyên gia quốc tế đến làm việc với KTNN Việt Nam, tôi xin chúc KTNN tổ chức thành công Đại hội ASOSAI, hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch, thành viên Ban Điều hành ASOSAI, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Trân trọng cảm ơn bà!

NGỌC QUỲNH (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018
Cùng chuyên mục
  • Nigeria: Sai phạm nghiêm trọng trong thanh toán tại NNPC
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tổng Kiểm toán liên bang Nigeria vừa qua đã công bố một Báo cáo kiểm toán dài 2 tập, trong đó lên án Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nigeria (NNPC) đã cố tình thực hiện nhiều giao dịch trái phép có giá trị lên đến gần 300 triệu USD.
  • Đại hội ASOSAI 14 - mốc son trong tiến trình hội nhập quốc tế của Kiểm toán Nhà nước
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tại Đại hội Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á ASOSAI lần thứ 13, KTNN Việt Nam lần đầu tiên được phê chuẩn là chủ nhà của một kỳ Đại hội ASOSAI, đó là Đại hội ASOSAI 14 tổ chức vào năm 2018. Đây là mốc son quan trọng, tạo dấu ấn đặc biệt trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN kể từ khi gia nhập ASOSAI vào tháng 01/1997.
  • Ấn Độ:  Nhiều sai phạm tại Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Vừa qua, Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Ấn Độ (CAG) đã lên tiếng chỉ trích những sai phạm trong công tác thi công và vận hành Tổ máy 1 và 2 của Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam nước này. Trước đó, CAG đã tiến hành một cuộc kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá công tác quản lý tài chính và hiệu quả thực hiện Dự án của Tổng công ty Điện hạt nhân Ấn Độ (NPCIL).
  • Namibia:  Ngân sách Thành phố Windhoek thất thoát lớn
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tổng Kiểm toán nước Cộng hòa Namibia Junias Kandjeke vừa trình lên Quốc hội Báo cáo kiểm toán tổng kết năm tài chính 2015-2016, trong đó chỉ trích mạnh mẽ ngân sách của TP. Windhoek đã thất thoát hơn 2 tỷ đôla Namibia (NAD), tương đương 166 triệu USD trong giai đoạn 2012-2015.
  • Nigeria:  Gian lận 12,6 tỷ Naira tại 2 cơ quan đầu não của Bộ Nội vụ
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Báo cáo kiểm toán của Cơ quan Kiểm toán Liên bang Nigeria (OAG) công bố cuối tháng 12/2017 đã chỉ trích vấn đề thiếu minh bạch về tài chính tại 2 cơ quan đầu não của Bộ Nội vụ nước này là Cơ quan Di trú (NIS) và Cơ quan Quản lý nhà tù (NPS). Theo đó, NIS và NPS đã không thể giải trình về khoản tiền tổng cộng 12,6 tỷ Naira (khoảng 30 triệu USD) đã chi dùng trong năm 2015.
“Chúc KTNN Việt Nam hoàn thành trọng trách, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng ASOSAI”