Đại hội ASOSAI 14 - mốc son trong tiến trình hội nhập quốc tế của Kiểm toán Nhà nước

(BKTO) - Tại Đại hội Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á ASOSAI lần thứ 13, KTNN Việt Nam lần đầu tiên được phê chuẩn là chủ nhà của một kỳ Đại hội ASOSAI, đó là Đại hội ASOSAI 14 tổ chức vào năm 2018. Đây là mốc son quan trọng, tạo dấu ấn đặc biệt trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN kể từ khi gia nhập ASOSAI vào tháng 01/1997.



Trong số 46 Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên, có 9 SAI đã đăng cai Đại hội, và trong lịch sử 14 kỳ Đại hội, chỉ 2 SAI (KTNN Ấn Độ và KTNN Indonesia) là có vinh dự đăng cai tổ chức Đại hội nhiều hơn một lần. Đây đều là những SAI có lịch sử lâu đời và được coi là những SAI đầu tiên đặt nền móng cho tổ chức ASOSAI. Do vậy, việc các thành viên ASOSAI chọn KTNN Việt Nam đăng cai Đại hội ASOSAI 14 có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự trưởng thành và phát triển của ngành KTNN sau hơn 20 năm gia nhập và cống hiến cho diễn đàn đa phương lớn nhất trong khu vực về lĩnh vực kiểm toán công.

Từ khi KTNN tham gia ASOSAI, diễn đàn hợp tác đa phương này đã trở thành một động lực đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường năng lực của các SAI. Đây cũng là cơ hội để KTNN đẩy mạnh hợp tác với các SAI trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và tăng cường hiệu quả hoạt động.

Chuẩn bị sẵn sàng cho một Đại hội thành công

Nhận thức được tầm quan trọng của Đại hội ASOSAI 14, ngay từ khi chính thức được lựa chọn là SAI chủ nhà đăng cai tổ chức, KTNN đã tập trung triển khai đồng bộ công tác chuẩn bị Đại hội trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, KTNN đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ, huy động các nguồn lực để tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của KTNN trong khuôn khổ ASOSAI.

Thứ hai, Nghị quyết số 345/NQ-UBTVQH14 ngày 25/01/2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14. Theo đó, Đại hội sẽ được tổ chức vào tháng 9/2018 tại Hà Nội và một số địa điểm lân cận. Các sự kiện chính của Đại hội bao gồm: Kỳ họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 52 và 53; Phiên khai mạc; Phiên họp toàn thể lần thứ nhất; Phiên họp toàn thể lần thứ hai; Hội nghị chuyên đề lần thứ 7.

Để chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 346/NQ-UBTVQH14 ngày 06/02/2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức Đại hội ASOSAI 14 do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng ban, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc làm Phó Trưởng ban thường trực, thành viên là đại diện lãnh đạo của KTNN, 12 Bộ, ngành và địa phương. Ban Chỉ đạo đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất vào ngày 31/3/2017 nhằm phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo và thảo luận một số nhiệm vụ cần triển khai.

Thứ ba, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội ASOSAI 14 - đã thành lập Ban Tổ chức chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc làm Trưởng ban; Phó trưởng ban là các Phó tổng Kiểm toán Nhà nước; Ủy viên gồm các đại diện cấp Vụ của các cơ quan (Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh) và thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc KTNN.

Ban Tổ chức có nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 cũng như các sự kiện liên quan theo đúng Đề án đã được phê duyệt; phối hợp với Ban Thư ký ASOSAI, đại diện các nước tham gia chuẩn bị cho các sự kiện bên lề Đại hội; triển khai các hoạt động truyền thông, lễ tân - khánh tiết, hậu cần, bảo đảm an ninh cho Đại hội và triển khai thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo Đại hội phân công. Ban Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 tổ chức cuộc họp lần thứ nhất vào ngày 07/7/2017 nhằm cho ý kiến đối với Dự thảo Kế hoạch tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Để giúp việc cho Ban Tổ chức, Tổng Kiểm toán Nhà nước - Trưởng Ban Tổ chức - đã thành lập 1 Tổ Thư ký và 5 Tiểu ban gồm: Nội dung - Thư ký, Tài chính - Hậu cần, Lễ tân - Khánh tiết, Thông tin - Tuyên truyền, An ninh - Y tế.

Thứ tư, nhằm đảm bảo cho việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội, ngày 19/9/2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định số 103/QĐ-BTC xây dựng Kế hoạch tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14. Kế hoạch tổng thể xác định rõ các nội dung công việc, hoạt động cần hoàn thành theo thứ tự thời gian, phục vụ việc tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 của Ban Tổ chức. Đây là công cụ giúp Ban Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các công việc chính liên quan đến từng tiểu ban và các đơn vị.

Trên cơ sở Kế hoạch tổng thể, đến nay, công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 đang khẩn trương được hoàn thiện để sẵn sàng cho Lễ tổng duyệt dự kiến tổ chức vào tháng 4/2018.

Tuyên bố Hà Nội - Điểm nhấn quan trọng của Đại hội ASOSAI 14

Khi phân tích điểm mạnh, điểm yếu của ASOSAI sử dụng mô hình SWOT, KTNN Nhật Bản - Chủ tịch Ủy ban phát triển năng lực - đã chỉ ra rằng: ASOSAI là một diễn đàn có sự đa dạng cả về địa vị pháp lý, văn hóa, chính trị cũng như trình độ phát triển. Đây vừa là điểm mạnh lại vừa là điểm yếu của tổ chức này. Điểm mạnh ở chỗ, ASOSAI sở hữu đội ngũ kiểm toán viên với năng lực và kinh nghiệm đa dạng trong nhiều lĩnh vực kiểm toán khác nhau.

Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu cũng nằm ở sự đa dạng trong cách nhìn nhận về lĩnh vực kiểm toán công và mối quan tâm của các SAI cũng khác nhau. Là nước chủ nhà, KTNN Việt Nam phải tìm cách hài hòa quan điểm giữa SAI của các quốc gia phát triển và SAI của các nước đang phát triển để có được sự đồng thuận và đi đến sản phẩm cuối cùng là Tuyên bố Hà Nội. Đây thực sự là một thử thách không nhỏ đối với KTNN Việt Nam.

Trong bối cảnh như vậy, KTNN Việt Nam đã đề ra sáng kiến xây dựng Tuyên bố Hà Nội, đóng vai trò là kim chỉ nam nhằm thống nhất ý chí của toàn thể các SAI thành viên trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng ASOSAI. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các SAI thành viên.

Tuyên bố Hà Nội được kỳ vọng sẽ là văn kiện chính thức quan trọng của Đại hội, nhằm tổng kết những kết quả thảo luận, đồng thời phản ánh những cam kết, hành động của ASOSAI đối với khu vực và thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công. Tuyên bố Hà Nội sẽ khẳng định vai trò và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu xoay quanh chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Tất cả các nội dung này sẽ được thảo luận và thông qua tại Đại hội ASOSAI 14.

Có thể nói, Đại hội ASOSAI 14 với điểm nhấn là Tuyên bố Hà Nội sẽ thể hiện tầm nhìn dài hạn của KTNN Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, đóng vai trò dẫn dắt ASOSAI trong việc xác định phương hướng, giải pháp và hành động về hoàn thiện tổ chức, tăng cường hiệu quả hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển, mang lại giá trị và lợi ích cho tất cả thành viên của ASOSAI, tiến tới hoàn thành 3 mục tiêu chiến lược phát triển của ASOSAI vào năm 2021.

ĐỖ XUÂN BÁCH
Vụ Hợp tác quốc tế - KTNN
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018
Cùng chuyên mục
  • Ấn Độ:  Nhiều sai phạm tại Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Vừa qua, Cơ quan Tổng Kiểm soát và Kiểm toán Ấn Độ (CAG) đã lên tiếng chỉ trích những sai phạm trong công tác thi công và vận hành Tổ máy 1 và 2 của Nhà máy Điện hạt nhân Kudankulam nước này. Trước đó, CAG đã tiến hành một cuộc kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá công tác quản lý tài chính và hiệu quả thực hiện Dự án của Tổng công ty Điện hạt nhân Ấn Độ (NPCIL).
  • Namibia:  Ngân sách Thành phố Windhoek thất thoát lớn
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Tổng Kiểm toán nước Cộng hòa Namibia Junias Kandjeke vừa trình lên Quốc hội Báo cáo kiểm toán tổng kết năm tài chính 2015-2016, trong đó chỉ trích mạnh mẽ ngân sách của TP. Windhoek đã thất thoát hơn 2 tỷ đôla Namibia (NAD), tương đương 166 triệu USD trong giai đoạn 2012-2015.
  • Nigeria:  Gian lận 12,6 tỷ Naira tại 2 cơ quan đầu não của Bộ Nội vụ
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Báo cáo kiểm toán của Cơ quan Kiểm toán Liên bang Nigeria (OAG) công bố cuối tháng 12/2017 đã chỉ trích vấn đề thiếu minh bạch về tài chính tại 2 cơ quan đầu não của Bộ Nội vụ nước này là Cơ quan Di trú (NIS) và Cơ quan Quản lý nhà tù (NPS). Theo đó, NIS và NPS đã không thể giải trình về khoản tiền tổng cộng 12,6 tỷ Naira (khoảng 30 triệu USD) đã chi dùng trong năm 2015.
  • Kenya:  Thất thoát lớn trong chi tiêu, mua sắm  tại Bộ Nội vụ
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Vừa qua, Tổng Kiểm toán Kenya đã công bố Báo cáo kiểm toán tổng kết tình hình tài chính năm 2015-2016 của nước này. Báo cáo nhấn mạnh những sai phạm tại Bộ Nội vụ Kenya trong chi tiêu, mua sắm khiến ngân sách thất thoát nhiều khoản tiền lớn.
  • Singapore:  Thấy gì qua bảng xếp hạng các công ty  kế toán, kiểm toán lớn?
    6 năm trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Vừa qua, Tạp chí Singapore Business Review đã công bố đánh giá xếp hạng các công ty kế toán, kiểm toán lớn và hoạt động của ngành này tại Singapore trong năm 2017. Kết quả xếp hạng đã chỉ rõ quy mô, chất lượng nhân sự cũng như xu thế phát triển của các công ty kế toán, kiểm toán.
Đại hội ASOSAI 14 - mốc son trong tiến trình hội nhập quốc tế của Kiểm toán Nhà nước