Doanh nghiệp cần vốn lưu động
Ông Vũ Công Huân - Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn HDC, một DN chế biến thủy sản và bán lẻ - chia sẻ: Đơn hàng của HDC ở thời điểm hiện nay giảm khoảng 27% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đơn hàng giảm nhưng DN này vẫn cần một lượng vốn lưu động lớn để phục vụ sản xuất.
“Chúng tôi muốn được vay tín chấp dựa trên dòng tiền để đảm bảo vốn lưu động. Bởi khi bán hàng cho khách, chúng tôi sẽ thu tiền sau 2 tháng, nhưng lúc thu mua nguyên liệu đầu vào của nông dân thì trả tiền mặt ngay. Trong 2 tháng đó, chúng tôi rất cần vốn lưu động”- ông Huân cho biết.
Tương tự như HDC, đón mùa cao điểm cuối năm, Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cần thêm vốn lưu động với lãi suất hợp lý để thu mua nguyên liệu với giá cao hơn. “Có nguồn tiền lãi suất thấp, chúng tôi tăng cường dự trữ, tăng giá mua tôm, giúp bà con có điều kiện duy trì sản xuất, đồng thời, giá thành sản phẩm xuất khẩu vẫn cạnh tranh với các quốc gia khác” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam Võ Văn Phục mong muốn.
Không riêng gì 2 công ty trên, nhiều DN lâm sản, thủy sản khác cũng đang có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhu cầu vốn cho hoạt động nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản vẫn rất cao.
Đặc biệt, theo dự báo của các chuyên gia, với những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm, cũng như các dịp lễ hội lớn, xuất khẩu thủy sản sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023. Vì vậy, dòng vốn cho các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản rất cấp thiết trong nửa cuối năm.
Để đáp ứng nhu cầu trên và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Văn bản hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Theo đó, khách hàng có dự án/phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này được vay vốn với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Chương trình có quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024.
Theo các chuyên gia, gói tín dụng trên là cần thiết đối với các DN lâm sản, thủy sản đang gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - cho rằng, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp hơn thị trường 1-2% có thể coi giải pháp tốt. Đồng thời, ông Hiếu cũng kỳ vọng từ nay tới cuối năm, gói tín dụng này sẽ tạo tín hiệu tích cực cho DN xuất khẩu và các DN cung ứng sản phẩm thị trường trong nước.
Ngân hàng và doanh nghiệp đều phải nỗ lực
NHNN cho biết, hiện đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia Chương trình tín dụng dành cho lâm sản, thủy sản. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) triển khai Chương trình từ ngày 31/7/2023 đến hết ngày 30/6/2024.
Tuy nhiên, thời gian triển khai có thể kết thúc sớm hơn khi giải ngân đủ 3.000 tỷ đồng. Lãi suất ưu đãi của Chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ.
Đối tượng vay vốn là pháp nhân, cá nhân có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản (lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản lâm sản) và thủy sản (khai thác, nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản thủy sản).
12 ngân hàng tham gia triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản gồm: Agribank, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.
Cùng với các ngân hàng, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố cũng đã chung tay triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng. Điển hình là NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Văn bản yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại cấp I trên địa bàn triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN.
Để Chương trình phát huy hiệu quả, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh giao các chi nhánh ngân hàng thương mại căn cứ vào hướng dẫn của Hội sở chính để triển khai thực hiện.
Trong đó, tăng cường tuyên truyền về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chủ động phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh để rà soát, nắm danh sách và tiếp cận các DN, hợp tác xã có hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản nhằm nắm bắt nhu cầu vốn và cho vay đúng đối tượng.
Những động thái trên phần nào cho thấy ngành ngân hàng sẵn sàng chung tay tháo gỡ khó khăn cho lâm sản, thủy sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể triển khai hiệu quả Chương trình này, bên cạnh việc bố trí nguồn vốn cho vay có quy mô và kỳ hạn phù hợp, các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình cũng cần nỗ lực tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay từ 1-2%/năm như yêu cầu của NHNN.
Cùng với sự nỗ lực từ phía ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các DN cũng cần giải quyết đầu ra thì gói vay này mới phát huy được hiệu quả. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận định: “Nếu DN thủy sản muốn ngân hàng cho vay để bảo quản từ giờ đến cuối năm chờ giá lên thì không ngân hàng nào dám cho vay. Muốn vay vốn, trong giai đoạn này, DN phải chịu lỗ một chút để giải phóng hàng tồn kho”./.