Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại Họp báo. Ảnh: H. NHUNG |
Cụ thể, trước câu hỏi của các nhà báo về việc xây dựng gói kích cầu kinh tế đủ lớn cho nền kinh tế phục hồi thì quá trình xây dựng này đến đâu, quy mô sẽ lớn như thế nào, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ KH&ĐT thực hiện, chủ trì. Theo kế hoạch, Chương trình này sẽ được trình lên Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm nay.
Về nội dung cơ bản, Chương trình gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ DN/ hợp tác xã/ hộ gia đình, kích thích đầu tư công và cải cách hành chính.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ KH&ĐT cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch.
Liên quan đến "thời gian đủ dài" và "quy mô đủ lớn", về thời gian, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng Chương trình khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 và 2023, tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của một số giải pháp sẽ phải kéo dài thêm.
Ví dụ, các dự án đầu tư công có quy mô lớn, điển hình là cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và trong thời gian dài, do đó rất khó có thể thực hiện trong vòng 2 năm. Như vậy, thời gian sẽ gắn với mục tiêu phát triển và chủ yếu tập trung trong năm 2022, 2023.
Trong 3 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ nói về Chương trình phục hồi, "giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn" có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu như giải pháp đủ mạnh sẽ tốn kém chi phí, nếu kinh phí giới hạn thì thời gian sẽ phải kéo dài thêm, đây là mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố này.
“Rất tiếc hôm nay, tôi chưa thể trả lời báo chí về quy mô của Chương trình chính sách tài khóa tiền tệ vì chưa được các cấp có thẩm quyền thông qua” - Bộ trưởng Phương cho biết.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, có thể khẳng định, công cụ để thực hiện các giải pháp của chương trình phục hồi chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của DN, sự tham gia của khu vực tư nhân... “Bộ sẽ kịp thời thông báo với báo chí khi Chương trình phục hồi được Quốc hội thông qua” - Thứ trưởng Phương khẳng định./.
HỒNG NHUNG