Cụ thể, các đối tượng được kiểm toán gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải; TP.HCM, TP.Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, tỉnh Bình Dương; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Công nghiệp Cao su; Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất; Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông; Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Hàng không, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy...
Cơ chế, chính sách tương đối đầy đủ, đồng bộ
Khái quát những kết quả đạt được qua cuộc kiểm toán Chuyên đề này, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán phát hành ngày 01/9/2016 của KTNN nêu rõ, nhìn chung cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý hoạt động của DNNN, sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN... đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ.
Giai đoạn 2011-2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 69 nghị định, nghị quyết, chỉ thị. Trong đó có 21 văn bản về đổi mới tổ chức quản lý hoạt động của DNNN; 34 văn bản về sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN; 14 Điều lệ tổ chức hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, các Bộ đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách trên.
Bên cạnh đó, KTNN đánh giá, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN cũng đã được bổ sung, hoàn thiện nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ngăn ngừa thất thoát, tạo điều kiện cho việc bán cổ phần và thu hút nhà đầu tư. Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hóa 499/518 DN, đạt 96% kế hoạch.
Nhiều DN quy mô lớn, thuộc lĩnh vực ngành nghề quan trọng được cổ phần hóa, trong đó có 1 tập đoàn và 47 tổng công ty nhà nước. Phần lớn các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có lãi, số nộp NSNN và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tổng hợp kết quả của 1.000 DN sau cổ phần hóa năm 2013 cho thấy, lợi nhuận bình quân tăng 5,83 lần; nộp NSNN tăng 1,55 lần; vốn điều lệ tăng 1,7 lần; doanh thu tăng 1,5 lần; thu nhập bình quân người lao động tăng 2 lần...
Như vậy, thông qua cổ phần hóa, Nhà nước có thêm nguồn thu cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, DN có điều kiện để huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; người lao động được quan tâm, bảo đảm quyền lợi, việc làm; nhà đầu tư có thêm cơ hội đầu tư vào DNNN.
Thoái vốn ngoài ngànhbằng 1,4 lần giá trị sổ sách
Đề cập đến tình hình thoái vốn nhà nước tại DN, Báo cáo kiểm toán của KTNN cho biết, để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và nâng cao hiệu quả thoái vốn nhà nước, một số cơ chế, chính sách về thoái vốn nhà nước đã được ban hành như thoái vốn nhà nước dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán; việc chuyển nhượng vốn theo hình thức thỏa thuận; việc thoái vốn theo lô; cơ chế đặc thù về thoái vốn đối với SCIC... Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã thoái vốn nhà nước 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng, bằng 1,4 lần so với giá trị sổ sách.
Cụ thể, kết quả kiểm toán nêu rõ: thoái vốn đầu tư ngoài ngành (chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) là 9.835 tỷ đồng, thu về 11.086 tỷ đồng (bằng 1,1 lần giá trị sổ sách), đạt 42% kế hoạch. Chuyển nhượng vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ 16.387 tỷ đồng, thu về 25.451 tỷ đồng (bằng 1,6 lần giá trị sổ sách).
Trong đó, Bộ Xây dựng thoái vốn 1.608 tỷ đồng, thu về 1.798 tỷ đồng; Bộ Giao thông vận tải thoái vốn 2.906 tỷ đồng, thu về 3.853 tỷ đồng; Bộ Công Thương thoái vốn 1.872 tỷ đồng, thu về 2.918 tỷ đồng; Vinacomin thoái vốn 1.736 tỷ đồng, thu về 1.981 tỷ đồng; Vinatex thoái vốn 1.107 tỷ đồng, thu về 1.242 tỷ đồng; Viettel thoái vốn 3.025 tỷ đồng, thu về 3.540 tỷ đồng; EVN thoái vốn 1.478 tỷ đồng, thu về 1.525 tỷ đồng; SCIC thoái vốn 2.940 tỷ đồng, thu về 6.998 tỷ đồng; TP. Hà Nội thoái vốn 602 tỷ đồng, thu về 1.497 tỷ đồng; TP. HCM thoái vốn 2.129 tỷ đồng, thu về 2.565 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương thoái vốn 412 tỷ đồng, thu về 528 tỷ đồng...
Về việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, kết quả kiểm toán cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, SCIC tiếp nhận quyền đại diện quyền sở hữu tại 57 DN (6 tổng công ty đã cổ phần hóa và 51 DN độc lập) với tổng giá trị vốn nhà nước là 1.327 tỷ đồng.
Hoạt động của SCIC đã góp phần vào việc đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại DN, chuyển từ quản lý hành chính sang kinh doanh vốn. Kết quả bước đầu đã góp phần thực hiện chủ trương tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước. Nhà nước tập trung vào ban hành cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển ngành, vùng... kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, qua kiểm toán Chuyên đề này, KTNN cũng phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra những kiến nghị quan trọng để quá trình tái cơ cấu DNNN đạt được kết quả theo Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện tốt tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020. Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục đề cập, đăng tải phục vụ bạn đọc trên các số báo tiếp theo.
H.THOAN
Theo Tuần báo số ra ngày 10.8.2017