Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015: Kỳ II - Thống nhất nâng cao chất lượng, kết quả tái cơ cấu DNNN

(BKTO) - Thông qua kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015, KTNN đã phát hiện và chỉ ra nhiều bất cập, trong đó điển hình là những tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Đến thời điểm này, nhiều kiến nghị mà KTNN đưa ra đã được các cấp, ngành, cơ quan hữu quan chú trọng, chỉ đạo thực hiện.



Đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách

Báo cáo kiểm toán của KTNN nêu rõ việc ban hành một số cơ chế, chính sách về quản lý DNNN và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN còn chậm so với tiến độ đề ra, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Cùng với đó, một số chính sách ban hành chưa phù hợp với thực tiễn, còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, như không xác định giá bán tối thiểu đối với trường hợp thoái vốn DN đã niêm yết; bán vốn DN chưa niêm yết theo cơ chế đặc thù 30:70 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) không hiệu quả; cơ chế bán cổ phần theo lô còn bất cập; phương thức giao dịch thoái vốn DN niêm yết không phù hợp với thực tế; phương thức đặt lệnh không được quy định rõ ràng, nhất quán.

Đáng chú ý, KTNN xác định quyền thuê đất nhà nước đều có giá trị lợi thế, đặc biệt đối với các DN có quỹ đất lớn, vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh, phát triển dự án bất động sản, tuy nhiên hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đều không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước vào giá trị DN khi cổ phần hóa hoặc vào giá khởi điểm khi thoái vốn nhà nước tại DN. Một thực tế nữa là một số DN có quỹ đất lớn, vị trí lợi thế cho kinh doanh nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải di dời nhưng không thực hiện trả lại đất cho Nhà nước mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư để lách luật chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư. Cùng với đó, KTNN cũng chỉ rõ những bất cập trong các quy định hiện hành về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Thông qua kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015, KTNN cũng đưa ra những nhận xét, đánh giá về việc triển khai các nhiệm vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý liên quan đến việc thực hiện Đề án tái cơ cấu; việc xây dựng Đề án tái cơ cấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty; việc thực hiện Đề án tái cơ cấu… Kèm theo đó là những kiến nghị cụ thể đối với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, cũng như với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Có thể nói, cuộc kiểm toán trên đã góp phần phác họa “bức tranh” tổng thể về kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015, bên cạnh việc nêu ra những kết quả tích cực, KTNN cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, kiến nghị các cơ quan hữu quan phải có những giải pháp căn cơ, cụ thể hơn, quyết liệt hơn để thực hiện tốt tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020.

Những “tín hiệu” sáng sau kiểm toán

Kể từ sau thời điểm KTNN phát hành Báo cáo kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 (ngày 01/9/2016), đến nay, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể, tạo chuyển biến tích cực từ các cấp, các ngành để cùng hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tiến trình và nâng cao chất lượng, kết quả tái cơ cấu DNNN.

Đặc biệt, ngày 3/6/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những DN mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DNNN; không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình DN, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN.

Ngay trước đó, ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020”. Nhằm khắc phục những bất cập đã bộc lộ rõ trong giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng đề ra giải pháp phải hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ cho quá trình cơ cấu lại DNNN; sửa đổi, bổ sung quy định về cổ phần hoá, thoái vốn, bán, giải thể, phá sản DN.

Kèm theo đó là những giải pháp về chính sách quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, hoàn thiện phân công, phân cấp việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các Bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN. Theo đó, trong Quyết định này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN phù hợp với vị trí, vai trò và mục tiêu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020.

Nằm trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN mà KTNN đã kiến nghị, hiện Bộ Tài chính đang tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Chính phủ ký ban hành.

Cũng có một phần nguyên nhân từ ý kiến đề xuất của KTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng tiêu chí phân loại DNNN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020…

H.THOAN
Theo Tuần Báo ra ngày 17-8-2017
Cùng chuyên mục
Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015: Kỳ II - Thống nhất nâng cao chất lượng, kết quả tái cơ cấu DNNN