Theo đánh giá của các đại biểu tham dự Diễn đàn, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách về chuyển dịch năng lượng, bao gồm ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, đồng thời nghiên cứu các công nghệ mới trong lĩnh vực điện và năng lượng.
Việt Nam đã nhận thức rõ việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch là một quá trình tất yếu nhằm tạo ra một hệ thống năng lượng bền vững cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Trong bối cảnh này và trước thềm Hội nghị COP28 tại Dubai, Diễn đàn Năng lượng sản xuất tại Việt Nam được tổ chức nhằm thúc đẩy đối thoại giữa khu vực tư nhân trong và ngoài nước với cơ quan quản lý về các nội dung quan trọng của ngành năng lượng, nhất là khi Việt Nam sắp sửa thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.
Những nội dung thảo luận tại Diễn đàn sẽ rất hữu ích trong việc hỗ trợ Chính phủ đạt được các cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0.
Nhân dịp này, Báo cáo Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam - ấn bản thứ ba (MVEP 3.0) cũng được ra mắt tại Diễn đàn. Báo cáo trình bày một số gợi ý từ khu vực tư nhân đối với cơ quan quản lý để thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng theo tinh thần của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, từ đó biến ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và trở thành động lực cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Báo cáo nêu rõ, trong giai đoạn 1990-2020, GDP Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,6%, đồng thời phụ tải tăng từ 6,84 TWh lên 216,96 TWh, tức là tăng bình quân 12,6% mỗi năm. Đây là mức tăng trưởng gấp đôi so với tăng trưởng GDP. Cả tăng trưởng GDP và tăng trưởng phụ tải đều được thúc đẩy bởi mức sống và nhu cầu điện của doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cao nhanh chóng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2005-2010, tăng trưởng phụ tải bắt đầu giảm so với tăng trưởng GDP. Xu hướng này tiếp diễn trong giai đoạn 2015-2020, trong đó phụ tải tăng 8,55% trong khi GDP tăng 6,26%.
Các chuyên gia của Nhóm công tác về điện và năng lượng nhấn mạnh, cần lưu ý rằng tổng sản lượng phụ tải vẫn có thể tăng trong khi tốc độ tăng trưởng phụ tải giảm nếu xét tốc độ tăng trưởng hàng năm. Trong dài hạn, khi tốc độ tăng trưởng phụ tải giảm và việc tăng trưởng phụ tải không còn tương quan với tăng trưởng GDP nữa thì đây là tín hiệu cho thấy hiệu quả sử dụng điện đã được cải thiện.
Số liệu thống kê cho thấy, trước đại dịch Covid-19, sản lượng điện thương phẩm đều tăng trưởng ở mức cao, trung bình 9% mỗi năm trong giai đoạn từ 2016 đến 2019. Đến năm 2020, đại dịch đã làm hoạt động kinh tế chững lại, khiến tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm giảm còn 3,42%, đây là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua. Ngoài ra, đại dịch cũng gây chậm trễ đáng kể trong việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện, làm giảm nhu cầu điện và giảm doanh thu của các nhà máy điện.
Sau đại dịch, nhu cầu tiêu thụ điện bắt đầu tăng trở lại trong bối cảnh tiến độ triển khai các dự án nguồn điện vẫn còn chậm, kết hợp với lượng mưa giảm và thời tiết nắng nóng khắc nghiệt đã gây ra thách thức về cung ứng điện cho khu vực phía Bắc…
Báo cáo không chỉ cung cấp cái nhìn tổng quan về ngành điện của Việt Nam, từ nhu cầu tiêu thụ đến cơ cấu nguồn, hệ thống truyền tải và phân phối điện, về quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và những chiến lược, chính sách hiện có để thúc đẩy quá trình này, mà còn đi sâu phân tích những thành công Việt Nam đã đạt được trong việc thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo.
Cùng với việc tổng hợp những kinh nghiệm từ các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới để giải đáp những câu hỏi then chốt mà Việt Nam đang đối mặt, các chuyên gia đã nghiên cứu thực tiễn, đề xuất xây dựng khung pháp lý sao cho hiệu quả để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, cũng như tăng khả năng thu xếp vốn của hợp đồng mua bán điện cho các dự án năng lượng tái tạo, xác định lộ trình giá điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Các chuyên gia khuyến nghị, để khai thác tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam, điều cấp thiết là phải tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong lĩnh vực năng lượng bằng cách tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình sửa đổi Luật Điện lực, xây dựng khung chính sách hiệu quả để phát triển năng lượng tái tạo...