"Chuyển đổi kép" góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

(BKTO) - Thuật ngữ "Chuyển đổi kép" - xu hướng chuyển đổi số (CĐS) kết hợp chuyển đổi xanh trở nên ngày càng quan trọng trên thế giới. Tại Việt Nam, công nghệ số và CĐS cũng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh.

Ngày 9/4, tại Hà Nội, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) công bố Báo cáo thường niên Chuyển đổi số doanh nghiệp 2023: Thúc đẩy chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh.

Báo cáo là ấn phẩm thường niên trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021-2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp triển khai với sự hỗ trợ của Chính phủ Đức thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ.

Ấn phẩm năm nay hướng mục tiêu cung cấp các khái niệm và xu hướng của chuyển đổi kép diễn ra trên toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ về những tác động mà nó có thể đem tới Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo 2023 tiếp tục công bố các số liệu thường niên về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp và những nỗ lực của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế để thúc đẩy CĐS, chuyển đổi xanh trong năm qua.

3 trụ cột chính

Theo bà Lê Thị Quyên - Trưởng phòng Phòng Thông tin Điện tử, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), xu hướng chuyển đổi kép trên thế giới đang trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; Tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.

9.4-cdx.jpeg
Công nghệ số và CĐS được kỳ vọng sẽ "xanh hóa'' lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Ảnh minh họa: ST

Tại Việt Nam, công nghệ số và CĐS được kỳ vọng sẽ giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng Công nghệ Số và CĐS) đồng thời xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Bà Lê Thị Quyên cho biết, Báo cáo thường niên CĐS doanh nghiệp 2023 đã phân tích mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) năm 2023 cũng như khía cạnh về định hướng chiến lược với việc chủ động tìm hiểu, cập nhật, tiếp cận các xu hướng, giải pháp và sáng kiến công nghệ để ứng dụng vào hoạt động sản xuất-kinh doanh.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong việc chuẩn hóa hệ thống quy trình, chính sách hoạt động, khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu, kết nối hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin cũng như nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những yếu tố này tác động động đến mức độ sẵn sàng chuyển đổi của doanh nghiệp.

Theo báo cáo, kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng năm 2023 ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm đều trên trung bình (>2,5) với mức tăng từ 0,7-1,4 điểm so với năm trước.

"Điều này cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của CĐS. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều đã sẵn sàng cho bước tiến CĐS mang tính đột phá và toàn diện này” - bà Lê Thị Quyên khẳng định.

Việt Nam ưu tiên phát triển nền kinh tế xanh

Phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo, ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, thời gian vừa qua, tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững.

Cùng với xu thế phát triển đó, việc kết hợp CĐS với chuyển đổi xanh không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.

9.4-mr-trung.jpg
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: ST

Nắm bắt được xu hướng tất yếu này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh cùng với CĐS, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh”.

Trên cơ sở đó, Cục Phát triển doanh nghiệp đã cùng các chuyên gia khảo sát, phân tích và xây dựng Báo cáo thường niên CĐS doanh nghiệp năm 2023 nhằm cung cấp thông tin và xu hướng để hỗ trợ doanh nghiệp CĐS đúng hướng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, báo cáo sẽ cung cấp bức tranh tổng thể và cập nhật về tình hình chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam, cũng như sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nhiều góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi kép - xu hướng đang được các doanh nghiệp trên thế giới thực hiện trong quá trình CĐS.

"Báo cáo thường niên chuyển đổi số năm 2023 sẽ cung cấp những thông tin hữu ích, những bài học kinh nghiệm về CĐS, chuyển đổi xanh, giúp các doanh nghiệp có những lựa chọn đúng đắn trong quá trình CĐS, chuyển đổi xanh; đồng thời cũng đưa ra những góc nhìn mới để các Bộ, ngành và địa phương tiếp cận trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp" - ông Nguyễn Đức Trung nói./.

Cùng chuyên mục
"Chuyển đổi kép" góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững