Chuyển đổi số ngân hàng: Lấy người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp làm trung tâm

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong toàn ngành ngân hàng quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn, tiên phong trong chuyển đổi số, đưa ngành ngân hàng lên tầm cao mới. Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp làm trung tâm, mang lại lợi ích chung cho quốc gia…

Sáng nay, 08/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng với chủ đề: “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”. Tham dự sự kiện có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành.

thu-tuong-phat-bieu.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của ngành ngân hàng trong chuyển đổi số. Ảnh: NHNN

Trên 80% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng

Khai mạc sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm nay sẽ hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và định hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng với việc lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo.

ba-hong(1).jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng. Ảnh:thoibaonganhang.vn

Chia sẻ về một số kết quả nổi bật trong chuyển đổi số, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm.

Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

Ngoài ra, ngành ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) - cho biết thêm, tại NHNN, 100% các thủ tục hành chính đủ yêu cầu được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; trên 90% hồ sơ công việc được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Còn tại các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường số; 55% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa hoàn toàn; 49% khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 66% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện trên môi trường số; 17 TCTD đã số hóa hoàn toàn với các dịch vụ cho vay cá nhân, nhỏ lẻ.

Để có thể đạt được các kết quả trên, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số do Thống đốc NHNN làm Trưởng ban. Đến nay, 88% ngân hàng thương mại đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số. NHNN đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện nghiệp vụ ngân hàng bằng phương tiện điện tử…

Hạ tầng thông tin tín dụng cập nhật dữ liệu tự động, mở rộng thu thập và cập nhật dữ liệu trong và ngoài ngành. Các TCTD tiếp tục đẩy mạnh tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn tiện lợi, tiết giảm chi phí cho khách hàng. 57% các ngân hàng đã thí điểm và triển khai rộng rãi mô hình chi nhánh tự phục vụ cho phép khách hàng tự xử lý các giao diện và tăng tính tương tác với ngân hàng.

Hơn 70% các TCTD đã và đang triển khai hệ thống Data warehouse; hơn 40% các TCTD đã và đang triển khai hệ thống Data lake hỗ trợ quản lý… các dịch vụ.

tham-quan-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cùng các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm. Ảnh:thoibaonganhang.vn

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ đã điểm lại một số thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng hướng đến phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số. “16 gian hàng triển lãm trong khuôn khổ của sự kiện hôm nay đã cho thấy nhiều sản phẩm dịch vụ đã có sự tiến bộ vượt trội so với 2 năm trước đây, sát với thực tế hơn” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thủ tướng, thể chế về chuyển đổi số ngân hàng vẫn chưa hoàn thiện; nền tảng số, hạ tầng số chưa theo kịp yêu cầu; công tác đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật còn nhiều thách thức; các doanh nghiệp tham gia phát triển công nghệ mới còn hạn chế; thiếu hụt nhân lực công nghệ cao, nhất lực là nhân lực công nghệ thông tin.

6 nhiệm vụ chuyển đổi số ngân hàng

Thủ tướng mong toàn ngành ngân hàng quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn vượt qua thách thức, thúc đẩy chuyển đổi số, đưa ngành ngân hàng lên tầm cao mới, mang lại lợi ích chung cho quốc gia, cho doanh nghiệp, người dân.

“Ngành ngân hàng phải lấy người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp là chủ thể trung tâm của chuyển đổi số” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuyển đổi số phải toàn diện, đồng bộ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin. Đặc biệt, ngành ngân hàng phải dựa trên ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại kết hợp sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt cùng, tiến kịp, vượt lên trong chuyển đổi số. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 

Để thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ 6 nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật các Tổ chức tín dụng 2024; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt…

Thứ hai, tiếp tục nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Thúc đẩy việc tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, các ngành, lĩnh vực khác để người dân, doanh nghiệp được cung ứng và trải nghiệm các dịch vụ một cách liền mạch, xuyên suốt.

techcombank.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cùng các đại biểu tại gian hàng triển lãm của Tecchcombank. Ảnh:thoibaonganhang.vn

Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06/QĐ-TTg. Đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; ứng dụng và khai thác hiệu quả dữ liệu dựa trên các công nghệ mới để phục vụ công tác quản trị điều hành, xây dựng chính sách và phát triển các sản phẩm - dịch vụ đổi mới sáng tạo, tiện lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng; bố trí nguồn lực hợp lý cho công tác đầu tư hạ tầng, đảm bảo phát triển phù hợp với mục tiêu kinh doanh.

Thứ năm, tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số.

Thứ sáu, tăng cường truyền thông, giáo dục, hướng dẫn để nâng cao hiểu biết tài chính và hiểu biết số cho người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ kẻ xấu, tội phạm lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích gian lận, lừa đảo./.

Cùng chuyên mục
Chuyển đổi số ngân hàng: Lấy người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp làm trung tâm