Chuyển đổi số ngành thư viện: Tiện lợi trong mùa dịch, cần thiết trong tương lai

(BKTO) - Nhằm ứng phó với tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, hệ thống thư viện các cấp đã chuyển từ hình thức phục vụ trực tiếp sang trực tuyến để đáp ứng nhu cầu đọc, học tập và thưởng thức văn hóa phẩm của người dân. Đây có thể nói là bước đi quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số - xu thế tất yếu của hệ thống thư viện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ.



Giãn cách, không dừng đọc

Là một trong những địa phương có hệ thống thư viện điện tử từ rất sớm, bà Lưu Thị Hồng Liễu - Giám đốc Thư viện tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, hệ thống thư viện điện tử đã phát huy hiệu quả, giúp cho công tác phục vụ bạn đọc không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, thư viện các cấp trong tỉnh đã tăng cường khai thác những tiện ích của mạng xã hội để tạo ra một kênh cung cấp tri thức bổ ích cho bạn đọc.
                
   

Mô hình Thư viện điện tử tạiThư viện tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Nguyễn Chiêm

   

Nhằm phục vụ bạn đọc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ ngày 18/5, Thư viện Hà Nội (TP. Hà Nội) áp dụng hình thức phục vụ trực tuyến. Theo đó, thư viện chỉ phục vụ đối với bạn đọc đã đặt mượn sách online và cán bộ thư viện đã gửi lịch hẹn đến nhận sách. Bạn đọc khi đến liên hệ công tác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.

Không chỉ hệ thống thư viện lớn, các hoạt động tổ chức đọc sách, tra cứu tài liệu trực tuyến cũng được hệ thống thư viện các trường đại học đẩy mạnh áp dụng trong thời gian dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Theo Thạc sỹ Lâm Bình Nguyên (Thư viện Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), khi Chỉ thị 16 được triển khai, dịch vụ thư viện hỗ trợ trực tuyến được chú trọng hơn. Đặc biệt, khi sinh viên không thể đến trường do dịch bệnh, các hoạt động học tập diễn ra online, thì hình thức phục vụ trực tuyến của thư viên càng trở nên thiết thực, hữu ích và đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập, tra cứu của sinh viên, giảng viên.

Nằm trong chủ trương phát triển hệ thống thư viện trực tuyến, Dự án Thư viện Điện tử dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học do Ngân hàng Thế giới tài trợ với sự tham gia của 45 trường đại học/học viện, trong đó đầu mối là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang thực sự phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh, giãn cách xã hội.

Theo Thạc sỹ Đào Thiện Quốc (Trung tâm Thư viện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Dự án nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu điện tử dùng chung, tập trung chuyên sâu cho khối trường kinh tế, quản lý, quản trị, kinh doanh.

Mục tiêu cụ thể của dự án là tăng số người học, giảng viên tiếp cận và được sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, dự án còn kết nối, chia sẻ kết quả nghiên cứu, thu hút người học, giảng viên đến tra cứu, sử dụng tài liệu tại thư viện trung tâm, qua đó lan tỏa giá trị đến các đối tượng hưởng lợi.

Phát triển thư viện điện tử - xu thế tất yếu

Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có văn bản gửi các địa phương về việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trực tuyến, bao gồm cung cấp thông tin, hỗ trợ đọc sách, báo điện tử, đặc biệt là các tài liệu số của thư viện có hoặc có thể sử dụng tại các thư viện khác cho người đọc. Đồng thời tăng cường các dịch vụ cho mượn tài liệu về nhà, các hình thức phục vụ mượn trả trực tuyến cho người đọc.

Theo bà Lưu Thị Hồng Liễu, những giải pháp được Bộ VH,TT&DL đặt ra cũng đã được hệ thống thư viện của địa phương triển khai, trong điều kiện có thể để phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Nhờ có chuyển đổi số đã giúp tháo những khó khăn do dịch bệnh mang lại. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận bạn đọc vẫn chưa quen với hình thức đọc mới này.
                
   

Việc chuyển đổi sang mô hình thư viện điện tử đã được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân triển khai từ nhiều năm nay. Ảnh: N.LỘC

   

Trong khi đó, Thạc sỹ Đào Thiện Quốc cho rằng, việc triển khai phương thức mới ban đầu sẽ gây khó khăn nhất định. Tuy nhiên, khi các hoạt động tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế thì phương thức trực tuyến là tối ưu, đáp ứng nhu cầu của người đọc. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, thì việc chuyển sang hình thức phục vụ trực tuyến chính là xu thế tất yếu.

Trên cơ sở xác định việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện là yêu cầu cấp thiết, xuất phát từ thực tiễn hiện nay và để tạo hàng lang pháp lý cho hoạt động này, thúc đẩy thu hút nguồn lực tham gia, mới đây, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Kế hoạch triển khai "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Trong đó, Kế hoạch hướng đến việc xây dựng, sửa đổi, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền công bố các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi số, kết nối liên thông thư viện, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực tham gia tài trợ, đóng góp cho việc thực hiện chuyển đổi số, kết nối chia sẻ dữ liệu ngành thư viện.

Theo ông Phạm Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH,TT&DL), trong thời gian tới, các thư viện sẽ từng bước nâng cấp, phát triển hạ tầng kỹ thuật, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng internet, bảo mật... trong môi trường số, tạo điều kiện sẵn sàng cho chuyển đổi số một cách đồng bộ, an toàn trong hệ thống thư viện để chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện Kế hoạch sẽ góp phần tuyên truyền rộng rãi trong xã hội làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong tiếp cận với các hình thức đọc, học tập mới trên môi trường mạng.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Chuyển đổi số ngành thư viện: Tiện lợi trong mùa dịch, cần thiết trong tương lai