Chuyển đổi số ngành xây dựng: Tìm “công thức” thành công để nhân rộng

(BKTO) - Trong thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số ngành xây dựng đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, tuy nhiên, để việc chuyển đổi số nhanh hơn, thực chất, hiệu quả hơn, Ngành cần tìm “công thức” thành công để nhân rộng.

bim.jpg
Ngành xây dựng đang đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ảnh minh họa: S.T

Những kết quả tích cực bước đầu

Thông tin về việc chuyển đổi số ngành xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, công tác chuyển đổi số của Ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật ngành xây dựng, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được lồng ghép nội dung chuyển đổi số, giảm giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng được hợp nhất từ Cổng dịch vụ công Bộ Xây dựng và hệ thống một cửa điện tử. Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ đã được nâng cấp, kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nền tảng định danh và xác thực điện tử VNeID, hệ thống thanh toán điện tử, biên lai điện tử; kết nối toàn diện với hệ thống giám sát đo lường mức độ cung cấp và sử dụng Chính phủ số (EMC), tích hợp phần mềm ký số từ xa…, cơ bản đáp ứng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tính từ đầu năm 2024 đến nay đạt 87%, tăng gấp 3 lần năm 2020.

Ngoài ra, một số hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ Trung ương đến địa phương như: dịch vụ công cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; cung cấp thông tin quy hoạch; thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua… đã được triển khai và phát huy hiệu quả.

Bộ cũng đã tích cực triển khai và đưa vào hoạt động nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; hệ thống thông tin công khai quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị toàn quốc… Các nền tảng công nghệ số như hệ thống thông tin công trình (BIM), hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý xây dựng và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã bước đầu được triển khai áp dụng...

Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Xây dựng xếp thứ 7/17 khối các Bộ và cơ quan ngang Bộ. Đồng thời, Bộ Xây dựng xếp thứ 6 về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, công tác chuyển đổi số của ngành xây dựng vẫn còn một số hạn chế, thách thức.

Cụ thể là, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cấp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị còn chưa thực sự đầy đủ, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ số, kỹ năng sử dụng công nghệ số còn hạn chế; nhân lực có trình độ công nghệ thông tin và an toàn thông tin trong các cơ quan đơn vị thuộc ngành xây dựng còn thiếu.

Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho công tác chuyển đổi số còn hạn chế; việc số hóa dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chậm, thiếu nguồn lực đầu tư, dữ liệu không đầy đủ, việc kết nối, chia sẻ liên thông dữ liệu còn hạn chế. Các nền tảng và công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo, BIM, GIS… phục vụ chuyển đổi số của ngành xây dựng chậm được triển khai và đưa vào ứng dụng.

Cần làm thí điểm trước khi nhân rộng

Chia sẻ về kinh nghiệm để thực hiện việc chuyển đổi số thành công, tại Hội nghị Chuyển đổi số ngành xây dựng mới diễn ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho rằng, vai trò của người đứng đầu các cấp là rất quan trọng. Theo đó, nếu người đứng đầu không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng thì khó thành công. Người đứng đầu có dùng mới biết sản phẩm có tốt hay không, mới đặt ra yêu cầu để công ty công nghệ hoàn thiện sản phẩm.

hng.jpg
Hội nghị Chuyển đổi số ngành xây dựng tổ chức chiều 27/8. Ảnh: T.H

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm thí điểm trước khi nhân rộng, phổ cập trong quá trình thực hiện triển khai chuyển đổi số.

“Làm thí điểm trước, làm đến nơi, làm cho đến thành công, sau đó mô hình hoá, nhân rộng ra toàn ngành. Chuyển đổi số chỉ hiệu quả khi làm 100% toàn ngành. Tuy nhiên có cái khó là không đủ kinh nghiệm, không đủ nguồn lực để làm ngay một lúc. Do đó cần lấy một dự án, một xã, một huyện làm thí điểm, làm đến tận cùng, sau đó thành công thì nhân rộng” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, muốn chuyển đổi số thành công, cần phải tìm công thức thành công để nhân rộng. Bộ trưởng đưa ví dụ, chuyển đổi số Việt Nam công thức là “Chính phủ số + Kinh tế số + Xã hội số”. Chuyển đổi số toàn dân dùng công thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Bộ Công an khi triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xây dựng, phát triển dữ liệu theo công thức “đúng, đủ, sạch, sống”… Công thức phải ngắn gọn, đúng bản chất thì mới đi xuống được đến địa phương.

Đề cập đến thách thức trong quá trình chuyển đổi số, Bộ trưởng cho biết, một trong những thách thức lớn mà các Bộ, ngành, địa phương gặp phải trong quá trình chuyển đổi số đó là thiếu hụt nguồn nhân lực về chuyển đổi số. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin xuất sắc, đủ năng lực giúp các Bộ, ngành thực hiện chuyển đổi số thành công. Việc chính của cơ quan nhà nước là cung cấp thông tin, cung cấp tri thức, các doanh nghiệp công nghệ số có đủ nguồn lực để đưa ra các sản phẩm tốt, có chất lượng, giúp cơ quan nhà nước triển khai hiệu quả quá trình chuyển đổi số.

Về đầu tư cho chuyển đổi số, các Bộ, ngành là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó trên toàn quốc, vì vậy chi cho chuyển đổi số nên chiếm khoảng 20 - 30% ngân sách của Bộ. Để đánh giá hiệu quả của các khoản đầu tư cho chuyển đổi số thì giá trị tạo ra từ một dự án phải lớn hơn chi phí thì mới làm. Đơn cử, theo như kinh nghiệm của Australia là: Giá trị tạo ra gấp đôi chi phí thì nên làm.

Bên cạnh những vấn đề trên, nhiều Sở Xây dựng địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng đề xuất một số nội dung trọng tâm trong công tác chuyển đổi số ngành xây dựng. Theo đó, ngành xây dựng cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng dữ liệu số ngành xây dựng…

Để công tác chuyển đổi số ngành xây dựng đạt hiệu quả cao hơn, thực chất hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu của Bộ đáp ứng yêu cầu đặt ra; tiếp tục quan tâm xây dựng, tạo lập, phát triển dữ liệu để đẩy mạnh số hóa được phân cấp theo quy định nhằm tạo nguồn dữ liệu có giá trị cho ngành xây dựng.

Bên cạnh đó, Ngành sẽ tăng cường phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ số để triển khai các nền tảng số phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng mô hình trợ lý ảo phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ; chú trọng rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, số hóa các thủ tục, hồ sơ hành chính…/.

Cùng chuyên mục
  • Không thiếu cơ chế, chỉ thiếu cách làm hay, sáng tạo
    2 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Đó là khẳng của Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam Cao Xuân Thu Vân tại Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” diễn ra sáng 28/8.
  • Nhiều vướng mắc trong giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 7/2024, các Bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài mới đạt 20,66%; các địa phương giải ngân đạt 15,23%.
  • Huy động nguồn lực kiều bào hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, Đảng và Nhà nước chủ trương phát huy cao độ mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh đó, việc thu hút hiệu quả nguồn lực của kiều bào sẽ là một nguồn lực quan trọng, góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng, phát triển đất nước.
  • Bất hợp lý trong đấu giá đất
    2 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Những lùm xùm xung quanh vụ đấu giá đất tại một huyện ngoại thành ở Hà Nội gần đây và trước đây chưa lâu là vụ việc ở Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh đã làm “dậy sóng” dư luận. Sự bất hợp lý trong các vụ đấu giá đất thời gian qua cùng nhiều bất cập khác đã được GS,TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - chỉ ra qua trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán.
  • Văn hóa sẻ chia của PVFCCo dịp Quốc khánh 2/9
    2 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) - đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón Phú Mỹ vừa tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực hướng về cộng đồng dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9.
Chuyển đổi số ngành xây dựng: Tìm “công thức” thành công để nhân rộng