Tạo đột phá nhờ cơ chế đặc thù…
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù trong triển khai Dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Ông Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44 với các cơ chế đặc thù (chỉ định thầu, thực hiện song song, đồng thời các bước, giao mỏ cho nhà thầu khai thác mà không phải thực hiện thủ tục cấp phép…).
Các cơ chế đặc thù đã góp phần tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho triển khai Dự án, trong đó, cơ chế về mỏ vật liệu đã giúp các nhà thầu rút ngắn được thủ tục cấp mỏ, chủ động được nguồn vật liệu, không bị tình trạng khan hiếm vật liệu, đầu cơ, nâng giá, ép giá, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, góp phần chủ động và đẩy nhanh được tiến độ. “Có những dự án, chỉ sau 5 tháng từ khi khởi công, các nhà thầu đã được cấp mỏ vật liệu. Vừa qua, Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát chuyên đề và đánh giá về cơ chế đặc thù do Quốc hội ban hành, trong đó, ghi nhận và đánh giá rất cao những hiệu quả tích cực từ các chính sách đặc thù đối với ngành GTVT” - ông Minh cho biết.
Các hướng dẫn cụ thể của Bộ, ngành, địa phương về việc áp dụng các cơ chế đặc thù cần được thống nhất xuyên suốt và chi tiết để nhà thầu có thể thực hiện kịp thời; tránh tình trạng cơ chế đặc thù cho phép nhưng các quy định khác lại chồng chéo dẫn tới cơ chế đặc thù không phát huy hiệu quả.
Ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả
Từ góc độ nhà thầu tham gia Dự án, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả - ông Ngọ Trường Nam cũng đánh giá cao về các cơ chế đặc thù cho Dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo ông Nam, qua thực tiễn triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 cho thấy, việc Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù, đặc biệt là cơ chế về cấp mỏ vật liệu đã tạo điều kiện rất quan trọng để hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch đề ra. “Chỉ riêng thủ tục về cấp mỏ vật liệu cơ chế đặc thù đã rút ngắn thời gian cấp phép từ 6-9 tháng theo quy trình thông thường xuống chỉ còn khoảng 2-3 tháng khi thực hiện theo cơ chế đặc thù” - ông Nam dẫn chứng; đồng thời nhấn mạnh, điều quan trọng hơn là với cơ chế đặc thù thì vật liệu được cấp thẳng cho Dự án, không qua trung gian, quản lý được nguồn cấp, giá cả, kiểm soát được tổng mức đầu tư…
Việc nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu đang rất khó khăn và chưa có sự thống nhất, tiềm ẩn rủi ro về pháp lý vì đều là tạm thanh toán. Khi sản phẩm làm ra mà chưa thể nghiệm thu, giá trị dở dang ngày càng lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vốn của nhà thầu để thi công Dự án.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tư lệnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn
Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, với sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự vào cuộc tích cực của các địa phương đã cho thấy tác động to lớn mà cơ chế đặc thù mang lại, khi thúc đẩy các cơ quan cùng vào cuộc trách nhiệm hơn. “Một số địa phương không có Dự án đi qua cũng hỗ trợ về nguồn cát hoặc một số địa phương tạm dừng một số dự án ở địa phương lại để cung cấp nguồn cát cho Dự án cao tốc Bắc - Nam” - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đồng thời mong muốn tinh thần và sự quyết tâm này được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Cần hướng dẫn cụ thể, áp dụng thống nhất để phát huy hiệu quả
Qua đánh giá của các cơ quan chức năng, cũng như từ chính các nhà thầu cho thấy, với các cơ chế đặc thù được Quốc hội, Chính phủ cho phép triển khai, đã tháo gỡ phần lớn những khó khăn vướng mắc.
Nguồn vật liệu sẽ ảnh hưởng đến giải pháp thiết kế, đến chi phí, cũng như tiến độ công trình. Đây là thách thức đối với đội ngũ tư vấn trong khảo sát, thiết kế Dự án. Trong giai đoạn đầu của Dự án, việc áp dụng các cơ chế, chính sách tại địa phương còn lúng túng. Hay việc thỏa thuận về giá đền bù, nhượng quyền đất đai, tài sản trên đất giữa đơn vị khai thác với người dân cũng là vấn đề khá khó khăn và làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án
Ông Đào Ngọc Vinh – Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn, thiết kế giao thông vận tải (TEDI)
Theo ông Ngọ Trường Nam, cơ chế đặc thù đã giúp rút ngắn 2/3 thời gian cấp phép vật liệu cho nhà thầu; tuy nhiên, nhà thầu vẫn phải tự thỏa thuận với người dân về việc đền bù, giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu, dẫn tới không kiểm soát được giá trị đền bù, thường bị ép giá cao hơn nhiều lần so với đơn giá đền bù của Nhà nước, thời gian thỏa thuận kéo dài dẫn tới việc từ lúc có giấy phép đến khi khai thác được vật liệu cũng kéo dài từ 1-2 tháng. Cũng theo ông Nam, do là cơ chế đặc thù nên chưa đủ các hành lang hướng dẫn, dẫn đến vào giai đoạn đầu nhiều cơ quan có cách hiểu, áp dụng khác nhau, thậm chí hướng dẫn thực hiện như quy trình thông thường, gây kéo dài, không phát huy được ưu thế của cơ chế đặc thù. Mặt khác, cơ chế đặc thù mới tập trung tháo gỡ về thủ tục; chưa có hướng dẫn liên quan đến quản lý chi phí cấp mỏ, thực tế nhiều chi phí phát sinh chưa biết quyết toán ra sao…
Vướng mắc trong áp dụng cơ chế đặc thù cũng là vấn đề được đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết, hiện nay, việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ theo cơ chế đặc thù chưa rõ ràng và cụ thể; từ đó dẫn đến rủi ro cao, khi các chủ đầu tư chỉ tạm thanh toán, chưa thể nghiệm thu.
Xuất phát từ thực trạng này, các ý kiến cho rằng, việc áp dụng cơ chế đặc thù cần phải có cách làm đặc thù, gắn với thực tiễn tình hình tại địa phương áp dụng. Muốn làm được điều này, thì các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần phải thống nhất trong nhận thức cũng như cách thức thực hiện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lấy mục tiêu hoàn thành Dự án cao tốc để nỗ lực tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền.
Trước những vướng mắc, bất cập trong áp dụng cơ chế đặc thù, đại diện Bộ GTVT, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, Bộ GTVT đã tổng hợp, phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành để sửa đổi các quy định cho phù hợp hơn nữa với thực tiễn. Tại Nghị quyết về giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội cũng đã giao Chính phủ, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp để sớm tháo gỡ. Đến nay, Luật Đất đai đã ban hành và khi đi vào đời sống sẽ góp phần tháo gỡ được bất cập về chuyển mục đích sử dụng rừng cho các dự án sau này, Luật Khoáng sản tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng đơn giản thủ tục đối với nhóm vật liệu san lấp…
“Chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cũng như Đoàn giám sát của Quốc hội, về lâu dài chúng ta phải sửa các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát và kiến nghị sửa rất nhiều luật, theo hướng một luật sửa nhiều luật để phù hợp với thực tiễn” - ông Minh thông tin.
Có thể nói, với quy mô dự án lớn nhất từ trước đến nay lại trải dài qua địa bàn nhiều địa phương; quá trình triển khai dự án khó tránh được vướng mắc. Điều quan trọng là trên cơ sở cơ chế đặc thù được ban hành, các cấp, ngành cần tiếp tục nỗ lực vào cuộc có trách nhiệm; Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tiếp tục tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ hiệu quả những rào cản để đưa Dự án cao tốc Bắc - Nam về đích đúng hẹn./.