Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững

(BKTO) - Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, do nông dân gặp khó khăn về vốn và sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ... nên quá trình cơ giới hóa diễn ra còn khá chậm, gây lãng phí, thất thoát trong khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản. Vì vậy, để cơ giới hóa nông nghiệp phát triển hơn nữa, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.




Cơ giới hóa nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ nhưng hiệu quả chưa cao. Ảnh: P. Tuân

Đã có những bước phát triển nhưng hiệu quả chưa cao

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh cho biết, nhiều năm qua, lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Giai đoạn 2011-2021, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 91%, máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần. Đối với sản xuất lúa giai đoạn 2008-2021, cơ giới hóa khâu làm đất tăng từ 75% lên 97%; khâu gieo xạ, cấy tăng từ 5% lên 65%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật từ 55% lên 80%; khâu thu hoạch từ 15% lên 78%; khâu thu gom rơm, rạ đạt 90%...

Mặc dù vậy, ông Lê Đức Thịnh cũng thừa nhận, việc đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong đó, mức độ cơ giới hóa mới tập trung ở một số khâu như: Làm đất, nước, thức ăn... Các máy móc, thiết bị trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đa số vẫn được nhập khẩu từ các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... Ngoài ra, công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản nông sản đã cũ và lạc hậu, gây tốn nhiều nguyên liệu trong sản xuất, năng suất thấp dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Tổn thất sau thu hoạch một số ngành hàng còn cao, như: Rau quả, sắn khoảng 20-30%; cà phê, tiêu, điều, chè từ 10-15%; thủy sản đánh bắt từ 15-20%; lúa gạo từ 7-10%.

Nhiều chuyên gia nhận định, cơ giới hóa nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ nhưng hiệu quả chưa cao. Đối với thị trường máy nông nghiệp, do phát triển tự phát, người bán và mua công nghệ không có thông tin của nhau; thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước; thiếu chính sách khuyến khích tạo động lực đào tạo khoa học công nghệ, hạ tầng...

Phân tích rõ hơn, PGS,TS. Nguyễn Huy Bích - Trưởng khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh - cho biết, cả nước có khoảng 7.803 doanh nghiệp cơ khí và 271 tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia vào quá trình sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các sản phẩm cơ khí do trong nước sản xuất mới đạt khoảng 33% nhu cầu thị trường. Không những vậy, hiện nay, ngành cơ khí nông nghiệp đang “khát” nguồn nhân lực nhưng tỷ lệ bổ sung rất thấp.

Chú trọng đào tạo, hoàn thiện chính sách

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cơ giới hóa nông nghiệp là nhu cầu tất yếu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Một trong những yếu tố quan trọng để cơ giới hóa thành công là chất lượng nguồn nhân lực cũng như hệ thống đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp phải được nâng cao hơn cả về số lượng và chất lượng.

Thực tiễn đã chứng minh không quốc gia nào thành công về cơ giới hóa với việc nhập khẩu máy nông nghiệp. Do đó, PGS,TS. Nguyễn Huy Bích cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ khuyến khích đầu tư vào các dự án chế tạo máy nông nghiệp (thuế, tín dụng, đất đai...), hỗ trợ mạnh mẽ cho các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp hiện có để nâng cấp công nghệ, đặc biệt là công tác nghiên cứu vật liệu, luyện kim, đúc, công nghiệp phụ trợ và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kiến nghị điều chỉnh mức vay tối đa 100% giá trị máy móc, thiết bị công nghệ theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp trước đây. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung chính sách tài sản thế chấp được hình thành từ vốn vay nhằm khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư mới máy móc thiết bị tiên tiến và các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất máy móc thiết bị phục vụ. Đồng thời, hoàn thiện và triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó có nhiều chính sách ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Để cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh, nhiều ý kiến đề xuất, thay vì đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu lớn, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chế tạo ra các thiết bị, máy móc phù hợp, giá rẻ cho nông dân. Ngoài ra, Nhà nước cần có những biện pháp tích cực nhằm thiết lập lại trật tự trên thị trường máy nông nghiệp để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, tạo lập sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Để làm được điều này, cơ sở pháp lý đối với lĩnh này cần được xây dựng và hoàn thiện theo hướng nghiên cứu ban hành các quy định về: Khảo nghiệm mẫu đối với các máy móc, thiết bị cơ điện nông nghiệp trước khi đưa vào sử dụng; kiểm tra, giám sát chất lượng máy móc thiết bị cơ điện nông nghiệp khi nhập khẩu, chế tạo, xuất xưởng và trong quá trình sử dụng./.
         
Cả nước có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí, khoảng 270 tổ chức nghiên cứu khoa học và 538.700 lao động thuần cơ khí. Trong đó, gần 20.000 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chính quy; hơn 4.000 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với hơn 1.860 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững