Có một cổng trời khác lạ...

(BKTO) - “Cổng trời” Quản Bạ, huyện cửa ngõ Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng của mảnh đất địa đầu Tổ quốc đang đổi thay theo thời gian. Cái nghèo, cái khó trên những vùng đá xám đang từng bước được đẩy lùi; mảnh đất khô cằn, nay là điểm đến hấp dẫn với du khách...

10502b3a7a7ed7208e6f.jpg
Một góc huyện Quản Bạ hôm nay... Ảnh: N.Lộc

Phủ xanh vùng đá xám...

Trở lại Quản Bạ sau nhiều năm, mảnh đất xứ núi nay đã có nhiều đổi khác. Vẫn là một trong những huyện nghèo của cả nước, song đến Quản Bạ, không còn cảnh gia đình chịu đói mùa giáp hạt; các cơ sở hạ tầng giao thông, công trình trường học… ngày càng khang trang. Hơn thế nữa, từ sự tích cực chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương đã tạo sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của người dân về phát triển sản xuất, tiến đến thoát nghèo.

Là huyện vùng cao biên giới, cửa ngõ của Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Quản Bạ có dân số trên 57.000 nhân khẩu, 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 60%, Dao 14%, Tày 11%...

Hiện, huyện là một trong những địa phương được thụ hưởng đầy đủ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Hạng Dương Thành, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, không còn hộ đói... 

 Tổng các nguồn vốn đã phân bổ triển khai thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2023 là 1.300 tỷ đồng, triển khai thực hiện 374 hạng mục công trình.

Biến thách thức thành cơ hội, những năm qua, huyện Quản Bạ tập trung khai thác không gian đồi núi cao nguyên để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây ngắn ngày sang cây ăn quả, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa, gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

04df5cb40df0a0aef9e1.jpg
Cổng trời Quản Bạ - điểm đến du lịch nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Hà Giang. Ảnh: N.Lộc

Đặc biệt, huyện chú trọng nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp có tiến triển tốt, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét.

"Cách làm sáng tạo, hiệu quả cao trong triển khai chương trình giảm nghèo bền vững còn phải kể đến Đề án cải tạo chuồng trại chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường của huyện Quản Bạ. Đề án huy động được nguồn lực của hộ gia đình và các nguồn lực xã hội, góp phần giúp cho người dân có môi trường sống tốt hơn" - ông Thành cho biết.

Chú trọng phát triển du lịch nông thôn

Không chỉ chú trọng phát triển, đổi mới sản xuất nông nghiệp, người dân nơi cổng trời còn nhạy bén với việc tận dụng thế mạnh của vùng để phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông thôn.

Chính những ngôi nhà trình tường truyền thống, những bản làng xinh đẹp trên núi, những cánh đồng hoa tam giác mạch treo mình giữa lưng núi giờ đây lại trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với huyện vùng biên Quản Bạ.

Theo Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quản Bạ Nguyễn Tiến Hồng, phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của huyện. 

Phát huy lợi thế nằm ở cửa ngõ Cao nguyên đá, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa các dân tộc bản địa độc đáo, những năm gần đây Quản Bạ đang khai thác hiệu quả mô hình du lịch Homestay, gắn với xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới.

3cb9b5d2e49649c81087.jpg
Những ngôi nhà trình tường truyền thống là điểm tham quan thú vị của du khách khi đến Quản Bạ... Ảnh: N.Lộc

Trong đó, huyện chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ; khôi phục các lễ hội để phục vụ nhân dân, góp phần thu hút khách du lịch. Tăng cường các hoạt động mời gọi đầu tư, phát triển du lịch, vận động nhân dân xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng, điểm đến du lịch, nhà hàng, khách sạn, điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm địa phương, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hoá địa chất, nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm địa phương. Thực hiện tốt công tác quảng bá bằng hình ảnh và các video clip ngắn đặc sắc về điểm đến và các sản phẩm du lịch Quản Bạ trên các kênh thông tin.

Tổng số lượng khách du lịch đến tham quan tại huyện ước cả năm 2023 là 450.000 lượt khách, đạt 150% kế hoạch giao. Trong đó, có 33 hộ kinh doanh Homestay đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng/tháng. Làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và đạt tiêu chuẩn ASEAN giai đoạn 2023-2025.

Để hỗ trợ nhân dân phát triển du lịch, huyện đã chủ động liên kết, phối hợp khai thác các tuor, tuyến du lịch trong tỉnh và các huyện giáp ranh theo ký kết hợp tác du lịch vùng. Đồng thời quy hoạch thêm các tuyến du lịch nội huyện như: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ; Làng Văn hóa du lịch H’Mông Village, xã Đông Hà; suối Cốc Mạ, Tả Cá xã Đông Hà; điểm du lịch Thạch Sơn Thần, xã Quyết Tiến… là những địa điểm thu hút đông đảo du khách.

Bên cạnh đó, Quản Bạ còn không ngừng phát huy giá trị của các lễ hội đặc sắc như Lễ hội bắt cá dân tộc Dao; Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, Lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn… nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách.

44df28f279b6d4e88da7.jpg
Những điệu nhảy, bài ca vùng cao làm nức lòng du khách... Ảnh: N.Lộc

Đặc biệt, theo lãnh đạo huyện, xác định người dân là chủ thể trong công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn gắn với định hướng phát triển du lịch như: Mở các lớp dạy nghề nấu ăn, nghề du lịch cho các hộ làm homestay; mở các lớp dạy tiếng Anh giao tiếp; hướng dẫn bà con cải tạo vườn tạp gắn với phát triển du lịch. Khai thác các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương...

Chúng tôi rời Quản Bạ khi sắc xuân đã ngập tràn khắp các bản làng. Sắc hoa đào, hoa mận bung nở. Tiếng khèn ai vang giữa núi rừng, giục giã người người, nhà nhà bước vào một mùa xuân mới tươi vui, hoà chung với nhiều lời ca, tiếng hát của những nhóm các bạn trẻ làm nức lòng du khách.

Niềm vui về sự đổi thay của huyện vùng biên hoà chung với không khí chào mừng đón năm mới. Những dự cảm về sự phát triển, đổi mới đang xuất phát từ chính những cơ sở bền vững, đó là sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân trong việc đổi mới mô hình sản xuất, phát triển du lịch, từ đó góp phần phủ xanh những vùng đá xám... 

Cùng chuyên mục
  • Giám sát chặt chẽ các lễ hội thu hút đông người tham dự
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, nơi có lễ hội tập trung đông người giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng biến tướng, lợi dụng lễ hội để trục lợi.
  • Lợi nhuận tăng hơn 16.000 tỷ đồng khi triển khai Đề án một triệu hecta lúa
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, khi đánh giá về hiệu quả của Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
  • Hội hoa xuân thu hút đông đảo người dân, du khách dịp Tết
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Hội hoa xuân Giáp Thìn lần thứ 44 đang diễn ra tại Công viên Tao Đàn (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), thu hút đông đảo người dân, du khách dịp Tết Nguyên đán 2024.
  • Tết của người Việt ở Ukraine...
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Trong lúc khó khăn vì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thì Tết là một điểm tựa tinh thần để kiều bào Việt Nam xa quê hương đang sinh sống tại Ukraine cùng nhau sum vầy. Điều đó sẽ lan tỏa những thông điệp và hy vọng về một ngày cuộc xung đột chấm dứt, để tất cả đều lạc quan nhìn về phía trước.
  • Bộ GTVT yêu cầu bảo đảm an toàn cho người dân dịp Tết
    5 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ về việc triển khai Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 29/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2024 (Công điện số 10).
Có một cổng trời khác lạ...