Có nên kỳ vọng từ việc cổ phần hóa hãng phim?

(BKTO) - Phim nhà nước rồi sẽ ra sao? Việc cổ phần hóa (CPH) cần được thực hiện thế nào để giúp hãng phim nhà nước thoát khỏi cái bóng bao cấp và sự khủng hoảng?… Đây là những câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo “Liên hoan phim Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc”, sau một kỳ liên hoan phim vắng bóng hoàn toàn phim nhà nước.



Vắng dấu ấn phim nhà nước

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 vừa kết thúc, với hàng loạt các phim do hãng phim tư nhân sản xuất được xướng tên nhận giải. Đây là lần đầu tiên Liên hoan vắng bóng hoàn toàn tác phẩm của các hãng phim truyện nhà nước. Chia sẻ về thực trạng này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết: Giới chuyên môn đã sốc khi biết giải thưởng điện ảnh lớn nhất trong nước không có tác phẩm của các hãng phim nhà nước, nhưng lại “bùng nổ” tác phẩm điện ảnh của các hãng phim tư nhân. “Điều này cho thấy một thiếu sót lớn, khi chúng ta chưa xây dựng được những bộ phim phản ánh những nhân tố mới làm thay đổi diện mạo đất nước” - nữ biên kịch trăn trở.

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, các phim dự thi tại Liên hoan năm nay phần lớn là phim giải trí, đề cập tới giới trẻ, phục vụ cho đối tượng thanh, thiếu niên. Thành công và giành nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan phim với các bộ phim như: “Thị xã trong tầm tay”, “Cô gái trên sông”.., đến với kỳ Liên hoan này, đạo diễn Đặng Nhật Minh phải thừa nhận: Yếu tố thị trường đang chi phối điện ảnh, thậm chí làm thay đổi cách nhìn của Ban tổ chức giải. Trong khi đó, phim nhà nước tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng, từ đánh mất thị trường đến nhạt nhòa với các giải thưởng nghệ thuật.

Trở lại cách đây 2 năm, ở kỳ Liên hoan phim lần thứ 19, phim nhà nước vẫn góp mặt đầy đủ ở các hạng mục giải. Thậm chí, nếu tính cả sản phẩm từ các đơn vị điện ảnh quân đội thì có tới 10 đại diện phim nhà nước tham gia, chiếm 50% tổng số phim tham dự giải. Hơn thế, các phim đó tham gia không theo diện cho vui, mà để tranh giải và đã giật giải (“Cuộc đời của Yến”, “Những đứa con của làng” đoạt giải Bông sen Bạc).
Thế nhưng, điều này đã không lặp lại trong kỳ Liên hoan năm nay. Trong năm 2016, không có bộ phim nhà nước nào được sản xuất. Các dự án phim đặt hàng, gồm: “Không ai bị lãng quên”, “Người yêu ơi”, “Địa đạo”, “Xã tắc” dù được lên kế hoạch sản xuất, nhưng cho tới hết năm 2016 vẫn chưa thể ra mắt công chúng. Lý do là vì thiếu kinh phí sản xuất.

Gian nan cổ phần hóa

Một trong những nguyên nhân khiến phim nhà nước vắng bóng tại các mùa giải gần đây và tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng là bởi những vướng mắc, lùm xùm quanh câu chuyện CPH, từng làm “nóng” dư luận xã hội vừa qua.

Trong số 5 hãng phim nhà nước nằm trong lộ trình CPH là Hãng Phim Truyện Việt Nam, Hãng Phim truyện 1, Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Hãng Phim Giải phóng, Hãng Phim Hoạt hình, thì duy nhất có Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được giữ lại vì là đơn vị sự nghiệp mang tính đặc thù. Còn lại, đến thời điểm hiện tại, quá trình CPH các hãng phim nhà nước gần như đã hoàn tất.

Sau hơn 6 năm CPH, Công ty Cổ phần Phim truyện 1 vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất phim, nhưng hầu như không có tác phẩm nào gây được ảnh hưởng, chưa nói đến việc tham dự giải. Hãng Phim Giải phóng sau khi được CPH và mặc dù Nhà nước vẫn là cổ đông chính nhưng năm nay, không có phim nào dự thi. Thê thảm hơn là trường hợp của Hãng Phim Truyện Việt Nam. Không chỉ mất hút trong lĩnh vực làm phim, mà sau quá trình CPH, Hãng được biết đến với nhiều tai tiếng gắn với ông chủ mới - một DN trong lĩnh vực vận tải thủy. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đang thanh tra quá trình thực hiện CPH tại đây để làm rõ đúng sai và trách nhiệm của những người liên quan đến cuộc CPH đầy tai tiếng này.

Hiệu quả thấy được từ CPH các hãng phim nhà nước đến nay là gì? Câu hỏi này đã được nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát lý giải thẳng thắn và đúng với thực tế vừa qua, đó là: CPH hãng phim không vì điện ảnh! Vấn đề được nữ biên kịch chỉ ra ở đây không phải là chủ trương CPH, mà là cách thức thực hiện, như trường hợp của Hãng Phim Truyện Việt Nam mới đây. Bằng chứng sinh động nhất là trước khi CPH, phim nhà nước dù không thể ra rạp một cách đình đám thì chí ít cũng khẳng định thương hiệu, tính nghệ thuật trên thảm đỏ với các giải thưởng. Thế nhưng, đến những mùa giải gần đây, phim nhà nước thưa dần và vắng bóng hoàn toàn tại mùa giải năm nay.

Trong nền kinh tế thị trường, các hãng phim nhà nước cần thoát khỏi cái bóng bao cấp, tư duy phụ thuộc vào ngân sách để có thể tồn tại. CPH là chủ trương đúng và là con đường ngắn nhất đưa điện ảnh thoát khỏi lối mòn này. Thế nhưng, CPH ra sao, đổi mới làm phim tại các hãng phim có vốn nhà nước như thế nào, đầu tư ngân sách làm phim sao cho hiệu quả lại đang là câu hỏi quá lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước và giới chuyên môn lúc này. Với những gì đang diễn ra, công chúng, những người quan tâm đến điện ảnh nước nhà chỉ thêm thất vọng và quan ngại cho những chuỗi ngày bế tắc, không lối thoát của phim Việt khi nhìn về phía trước.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 07-12-2017
Cùng chuyên mục
  • Đoàn kết, vượt khó, xây dựng Công đoàn Kiểm toán Nhà nước vững mạnh
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhiệm kỳ 2013 - 2018, Công đoàn KTNN đã phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, thi đua học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành toàn diện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Công đoàn KTNN lần thứ V đã đề ra, góp phần thực thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành và xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.
  • Báo động tình trạng ô nhiễm không khí  tại Việt Nam
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Vấn nạn ô nhiễm không khí tại nhiều thành phố lớn trong cả nước đang ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Theo kết quả quan trắc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cả 2 thành phố này đã vượt ngưỡng cảnh báo về ô nhiễm không khí. Đáng lo ngại hơn, Hà Nội đang có nhiều khả năng đạt ngưỡng của các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
  • Nâng cao năng suất lao động:  Cần giải pháp đột phá, dài hơi
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năng suất lao động (NSLĐ) thấp đang thực sự trở thành rào cản của Việt Nam trong quá trình cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế. Thị trường lao động trong nước đang có xu hướng già hóa… Những thách thức này tiếp tục được chỉ ra trong Báo cáo “Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện và công bố mới đây.
  • Khơi thông điểm nghẽn để phát triển bền vững thị trường bất động sản
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như nhà quản lý, thị trường bất động sản (BĐS) đã vượt qua khủng hoảng và đang bước vào chu kỳ phát triển mạnh ổn định cả về giá cả, khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn còn những điểm nghẽn cần được khơi thông để có thể phát triển bền vững.
  • Đề án đào tạo tiến sĩ nghìn tỷ:  Cần thiết nhưng phải thận trọng!
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đề xuất chi tới hơn chục nghìn tỷ đồng dành cho công tác đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia. Đặt trong bối cảnh các đề án trước đó không đạt được mục tiêu đề ra, những cảnh báo về tính khả thi của Đề án cần được Bộ GD&ĐT lưu ý.
Có nên kỳ vọng từ việc cổ phần hóa hãng phim?