Nỗ lực CPH nhưng tiến độ vẫn chậm
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết: Nửa đầu năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các đơn vị đã tiếp tục triển khai CPH, thoái vốn. Tính đến ngày 10/6/2016, 39 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Tổng giá trị thực tế của 39 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 27.061 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 21.631 tỷ đồng. Về thoái vốn, các đơn vị đã thoái được 2.086 tỷ đồng, thu về 4.168 tỷ đồng.
Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) sẽ được cổ phần hóa trong năm 2016. Ảnh: TS
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của thực trạng trên là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính - chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm, do đó kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN CPH không đạt được mục tiêu đề ra, tỷ lệ bán thành công chưa cao, nhiều DN sau bán cổ phần lần đầu vẫn còn số lượng vốn Nhà nước lớn. Một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các DN còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau CPH. Đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu đối với các DN có quy mô vốn lớn cũng cần có quá trình chuẩn bị để huy động sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn.
Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ CPH và thoái vốn
Nhằm khắc phục hạn chế trên, đồng thời để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, một trong những giải pháp được Bộ Tài chính nhấn mạnh là thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quán triệt, thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu DNNN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo hoàn thành; đặc biệt xử lý nghiêm đối với lãnh đạo DN không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có hiệu quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả tái cơ cấu DNNN sẽ góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho DN sau khi CPH huy động vốn, đổi mới và phát triển ổn định để hội nhập với khu vực và thế giới. Muốn vậy, “về lâu dài, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo chiều sâu, chú trọng nâng cao sức cạnh tranh. Đây cũng chính là giải pháp giúp đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế”- các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) khuyến nghị.
Cùng với việc đẩy nhanh quá trình CPH, Bộ Tài chính còn chú trọng đến giải pháp tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn Nhà nước ở DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo tiêu chí phân loại DNNN và theo lộ trình hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong lộ trình thoái vốn, các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh cần giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ quá nhiều vốn.
Đơn cử, trong lĩnh vực ngân hàng, hiện tại, phần vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) lần lượt là 64,46% và trên 95%. Sự kiện Bộ Tài chính yêu cầu 2 ngân hàng này trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt để bổ sung vào NSNN vừa qua cho thấy bài toán sử dụng vốn ngân sách trong các DNNN còn nhiều khó khăn. Do vậy, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), đề xuất: Nhà nước cần thoái vốn một cách quyết đoán các DNNN lớn, đặc biệt tại một số ngân hàng thương mại nhà nước; giúp bổ sung nguồn NSNN, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại này vẫn có đủ nguồn vốn để mở rộng hoạt động.
THÀNH ĐỨC