Sim kích hoạt sẵn được bày bán công khai là thủ phạm khiến vấn nạn tin nhắn rác gia tăng.Ảnh: TS
Tám DN cung cấp nội dung bị phạt gần 600 triệu đồng vì gửi tin nhắn rác. Mới đây nhất, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ký quyết định xử phạt 2 DN vì hành vi phát tán tin nhắn rác, với tổng số tiền phạt gần 160 triệu đồng. 2 cá nhân khác cũng bị xử phạt với mức phạt 15 triệu đồng mỗi người do có hành vi bán sim thuê bao hoặc thiết bị đầu cuối loại không dùng sim đã được đăng ký thông tin thuê bao của người khác. Đây là động thái nhằm chấn chỉnh, dẹp bỏ tình trạng phát tán tin nhắn rác, quảng cáo… của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế, những con số bị xử phạt chỉ như “muối bỏ bể” mà không thấm thoát vào đâu, trong khi hàng chục triệu thuê bao đang bị tra tấn bởi tin nhắn rác và phải sống chung với vấn nạn này.
Những bức xúc do tin nhắn rác gây ra cũng được “nạn nhân” là Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phản ánh tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ TT&TT. “Riêng sáng nay (12/7) tôi cũng nhận được gần chục tin nhắn rác”, ông Tuấn nói và thừa nhận “tin nhắn rác là vấn đề đang gây bức xúc xã hội”.
Bức xúc vì bị tin nhắn rác làm phiền, nhiều người có căn cứ để nghi ngờ các nhà mạng đã vô tình tiếp tay cho nạn tin nhắn rác, hoặc vì chạy theo lợi nhuận mà “làm ngơ” cho việc phát tán các tin nhắn rác. Bởi nếu các nhà mạng quản lý chặt chẽ đầu số thì các đối tượng không dễ dàng gửi tin rác đến các thuê bao. Chưa kể, số lượng lớn sim kích hoạt sẵn (còn gọi là sim rác) trôi nổi trên thị trường cũng là một trong những thủ phạm khiến nạn tin nhắn rác gia tăng. Quy định về quản lý thuê bao di động trả trước theo Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT ra đời được kỳ vọng sẽ “dẹp loạn” thị trường sim rác. Tuy nhiên, sau 4 năm thực thi, quy định này dường như bị quên lãng khi sim rác vẫn mặc sức “gây rối” thị trường. Trong khi đó, việc thanh, kiểm tra, xử phạt các nhà mạng, các DN vẫn theo cách làm phong trào, ít có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên…
Chế tài yếu, khó dẹp tin nhắn rác
Tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng - so với lợi nhuận “khủng” mà người vi phạm thu được hiện nay thì mức phạt này vẫn còn quá thấp. Những chế tài trong Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cũng chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Tình trạng này tiếp diễn, không chỉ khiến người dùng thiệt hại, ngân sách thất thu, thị trường bị méo mó mà còn ảnh hưởng tới sự nghiêm minh của pháp luật. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về xử phạt hành vi vi phạm, làm sao để sau khi bị xử phạt, các đối tượng phải chấm dứt, không dám tái phạm. Muốn như vậy thì chế tài phải đủ mạnh để răn đe, thậm chí có thể tước giấy phép hoạt động đối với cá nhân, tổ chức thường xuyên vi phạm.
Tuy nhiên, khi đề cập đến cuộc chiến chống tin nhắn rác, nhiều nhà mạng tỏ ra dè chừng, bởi việc xác định hạn mức tin nhắn - biện pháp chính được các nhà mạng áp dụng để chặn tin nhắn rác, cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của nhà mạng vì lo ngại người dùng chuyển sang sử dụng dịch vụ tin nhắn miễn phí. Chưa kể, trên thị trường vẫn tồn tại lượng không nhỏ sim rác mà nhiều người cho rằng, nguồn này được tuồn ra từ chính các nhà mạng?
Trong khi đó, việc xử lý các đối tượng phát tán tin nhắn rác cũng không dễ dàng, khi các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, gây khó khăn cho việc kiểm soát tần suất tin nhắn như hiện nay. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để ngăn chặn tin nhắn rác là một trong những giải pháp đang được mong đợi. Đây cũng là lưu ý được Bộ TT&TT đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ diễn ra mới đây. Bộ sẽ công khai tất cả các nhà cung cấp nội dung, nhà mạng, đại lý để tin nhắn rác tràn lan, từ đó huy động sự giám sát của toàn xã hội, hỗ trợ các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.