Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Vẫn thiếu các chính sách đồng bộ

(BKTO) - Tại Hội thảo "Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN - Góc nhìn chuyên gia", các chuyên gia lo ngại quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn vẫn diễn ra chậm chạp và khuyến nghị Chính phủ cần tạo lập một khuôn khổ pháp lý cụ thể, chặt chẽ, trong đó có việc ban hành luật về CPH.



Còn nhiều thiếu sót, vướng mắcvề cơ chế, chính sách

Bộ Tài chính cho biết, trong 5 tháng qua, mới có 5 DN được phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 8.752 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018, ít nhất 85 DN phải hoàn thành CPH. Về tình hình thoái vốn, Thủ tướng yêu cầu, năm 2018, có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm, mới có 1 đơn vị thuộc danh sách thoái vốn.

Theo ông Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) - nguyên nhân của việc này là do các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thoái vốn nhà nước tại DN còn chồng chéo. Mặt khác, CPH, thoái vốn gặp nhiều khó khăn do một số quy định còn bất cập. Đơn cử, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN quy định: Khi xác định giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn, DNNN phải thuê ít nhất 2 tổ chức tư vấn là công ty thẩm định giá (để thực hiện xác định giá trị DN) và công ty chứng khoán (để tổ chức bán cổ phần). Điều này đã đẩy chi phí tư vấn của DN tăng thêm 2 - 3 lần so với trước đây.

Một vướng mắc khác là chưa có quy định cụ thể về việc xác định giá cổ phần. Nghị định số 32/NĐ-CP quy định: Giá cổ phần phải tính đúng, tính đủ cả giá trị vốn nhà nước đầu tư ra ngoài DN, giá trị số tiền trả thuê đất, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử, giá nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có). Tuy nhiên, do quy định đối với giá trị văn hóa, lịch sử của DN chưa có nên việc định giá gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, theo ông Lai, quá trình bán vốn còn gặp vướng mắc do quy định vốn nhà nước phải đạt được 2 mục tiêu: tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước và tìm kiếm được nhà đầu tư (NĐT) chiến lược. Điều này đã tạo áp lực rất lớn cho ban lãnh đạo DN và người ký quyết định bán vốn. Tương tự, hiện nay, việc có nhiều phương pháp xác định giá trị DN và mỗi phương pháp sẽ đưa ra một kết quả khác nhau nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể về chọn phương pháp định giá phù hợp cũng sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn cho người ra quyết định thoái vốn…

TS. Nguyễn Quang Trung - Giảng viên Trường Đại học RMIT Việt Nam - cho rằng, quá trình CPH chậm trễ còn do thiếu ưu đãi cho nhân viên cũng như lãnh đạo DNNN, việc định giá tài sản còn phức tạp, thiếu hướng dẫn chi tiết để triển khai phương thức dựng sổ, nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu không muốn CPH...

Cần ban hành luật về CPH

Để thúc đẩy quá trình CPH, thoái vốn nhà nước, tại Hội thảo nói trên, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp. TS. Nguyễn Quang Trung đã khuyến nghị: Cơ quan quản lý nên rút ngắn thời gian phê duyệt thủ tục CPH và tăng thời gian từ khi DN công bố bản cáo bạch đến lúc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) lên 40 ngày thay vì 20 ngày như hiện nay để nhà đầu tư có thêm thời gian tìm hiểu về DN.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cần điều phối việc IPO để tránh tình trạng thừa cung đột ngột. Đặc biệt, Nhà nước chỉ nên giữ tỷ lệ cổ phần thấp để cho thấy rõ chủ trương muốn CPH DNNN của Chính phủ. Việt Nam cũng nên tham khảo phương án “cổ phiếu vàng” - cổ phiếu có quyền quyết định với tỷ lệ sở hữu chỉ chiếm 1% (hay còn gọi là việc Nhà nước chỉ sở hữu 1 cổ phiếu đặc biệt). Nếu Việt Nam áp dụng phương án này thì ngay cả khi Nhà nước chỉ nắm giữ 1 cổ phiếu tại DN nhưng vẫn có quyền xem xét và phủ quyết những vấn đề trọng yếu. Cùng với đó, Chính phủ cần sớm xây dựng luật về CPH.

Ông Vương Tuấn Dương - Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital - đề xuất: Kể cả khi điều kiện thị trường thay đổi thì Chính phủ vẫn cần có biện pháp để đảm bảo tiến độ của kế hoạch CPH. Chẳng hạn, khi Chính phủ đã xác định mục tiêu phải CPH 150 DN trong năm nay, bởi vậy, không nên vì thị trường sụt giảm mà chỉ CPH 15 - 20 DN. Cùng với đó, công tác thông tin đến công chúng cũng cần được cải thiện. Theo định kỳ 6 tháng hoặc ít nhất là hằng năm, Chính phủ nên cung cấp thông tin cơ bản về những kết quả đã đạt được và những biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch CPH.

Từ góc độ chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới, ông William P. Mako khuyến nghị: Khi CPH DNNN, Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu về quyền sở hữu nhà nước là đầu tư, nắm giữ cổ phần hay thoái vốn, đặc biệt là với các DNNN hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Ông William P. Mako cũng lưu ý, người đại diện vốn nhà nước không nên can thiệp vào các quyết định kinh doanh hằng ngày của DN, mà chỉ làm việc thông qua ban kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Trọng Dũng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN - khi CPH, thoái vốn, Nhà nước không chỉ đặt mục tiêu vì tiền mà còn phải chú ý đến các tiêu chí khác như: vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn thương hiệu quốc gia, an ninh, quốc phòng… Do đó, cần chọn cổ đông chiến lược có chung mục tiêu gắn kết kết lâu dài với DN.

Để hoàn thiện khung pháp luật về hoạt động thoái vốn, đại diện SCIC kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, ban hành quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần. Đồng thời, đồng bộ hóa giữa Luật DN, Luật Chứng khoán và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN cũng như thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa SCIC với các tổ chức mua bán nợ, trong đó có Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 21-6-2018
Cùng chuyên mục
  • Hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (Nghị định số 63) về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 19/6/2018, thay thế cho Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
  • Nền kinh tế đan xen nhiều yếu tố thuận lợi và khó khăn
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Dựa trên những dự báo và đánh giá tình hình kinh tế năm 2018, những tác động của kinh tế thế giới đến tình hình trong nước, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu cao cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Mặc dù hiện tại, bối cảnh kinh tế trong nước được Chính phủ nhìn nhận có những diễn biến thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn đan xen.
  • Cải cách hành chính: Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự để lại dấu ấn tốt với người dân và DN cho dù đạt được điểm số cao về cải cách hành chính (CCHC). Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ tinh thần phục vụ chưa hướng đến sự hài lòng của người dân.
  • Tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế 2018
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Trước những diễn biến tích cực của nền kinh tế năm 2017 và quý I/2018, các chuyên gia nhấn mạnh, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo.
  • Tăng trưởng GDP: Năng suất lao động là yếu tố quan trọng
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 08/5, tại Hà Nội, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”. Cùng với việc phân tích, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2018, Báo cáo đặc biệt đi sâu đánh giá về quá trình thay đổi năng suất lao động trong 2 thập kỷ hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Vẫn thiếu các chính sách đồng bộ