Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm |
Điều đặc biệt này được nhắc đến trong bối cảnh đất nước này đang ở trong hoàn cảnh vừa khủng hoảng kinh tế và y tế. Ngân hàng trung ương Anh đã dự đoán rằng Vương quốc Anh đang hướng tới sự sụp đổ kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 300 năm, trong khi số người chết vì Covid-19 là cao nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, Vương quốc Anh cũng đang chạy đua với thời gian để xây dựng một thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit với Liên minh châu Âu- thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này vào cuối năm nay. Các cuộc thảo luận nếu diễn ra không tốt sẽ làm tăng khả năng xảy ra một cú sốc lớn khác ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế của quốc gia này.
Nhận định về vấn đề này, Kallum Pickering - chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Berenberg nói: Toàn bộ thế giới đang suy thoái vì Covid-19, nhưng Vương quốc Anh có thêm một vấn đề rắc rối không kém khác là cuộc đàm phán Anh-EU trong nửa cuối năm nay.
Cuộc suy thoái lịch sử
Theo giới phân tích, ngay cả khi không xem xét tác động của Brexit, nền kinh tế Anh vẫn ở trong tình trạng khó khăn.
Ngân hàng trung ương Anh cho biết, nền kinh tế có thể thu hẹp 14% trong năm nay. Đó sẽ là sự suy thoái hàng năm lớn nhất kể từ khi giảm 15% vào năm 1706, dựa trên ước tính dữ liệu lịch sử của ngân hàng. Ngoài ra, GDP của quốc gia này trong ba tháng tính đến cuối tháng Sáucó thể giảm đến 25%.
Dữ liệu được Chính phủ Anh công bố trong những ngày gần đây đã cho thấy những vấn đề lớn. Yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tăng 69% lên gần 2,1 triệu lao động vào tháng trước, lạm phát trong tháng 4 đã giảm xuống còn 0,8% (tháng thứ ba giảm liên tiếp) làm tăng mối lo ngại rằng thị trường có thể đang đi vào một vòng xoáy giảm giá. Chưa kể đến, các nhà hàng và cửa hàng không thiết yếu vẫn đóng cửa và các nhà kinh tế không tin rằng những cửa hàng này sẽ hoạt động hiệu quả ngay khi họ mở cửa trở lại.
Tình trạng tồi tệ đã được phản ánh vào thứ Tư tuần trước khi chính phủ Anh bán trái phiếu của mình với lãi suất âm lần đầu tiên. Theo các nhà kinh tế, trái phiếu Chính phủ Anh được coi là một tài sản trú ẩn an toàn, cùng với trái phiếu chính phủ các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức; nhu cầu tăng cao báo hiệu rằng các nhà đầu tư đang lo lắng tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn bị suy thoái.
Đồng bảng Anh đã giảm hơn 8% kể từ đầu năm, xuống dưới 1,22 USD, và cũng đã giảm hơn 5% so với đồng euro. Trong nỗ lực giảm nhẹ nhữngthiệt hại của nền kinh tế, chính phủ Anh đã vay 62,1 tỷ bảng Anh (75,7 tỷ USD) vào tháng 4, mức cao nhất kể từ khi hồ sơ bắt đầu lưu giữ vào năm 1993. Chính phủ dự kiến sẽ cần vay 298,4 tỷ bảng Anh (363,3 tỷ USD) cho đến tháng 3 năm 2021, gần gấp đôi so với đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thậm chí, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh - Andrew Bailey còn ám chỉ lãi suất chính thức - hiện là 0,1% - có thể xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử Anh trong năm 2021.
"Quả bom hẹn giờ" Brexit
Nền kinh tế nước Anh dù đã được đánh giá rất cam go tuy nhiên rủi ro mà quốc gia này đang đối mặt có thể càng tăng lên vì Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã cam kết rút ra các điều khoản về mối quan hệ mới của Vương quốc Anh với Liên minh châu Âu vào cuối năm 2020, sau khi rời khỏi khối vào tháng 1.
Việc không đạt được thỏa thuận có thể khiến các công ty Anh phải chịu mức thuế mới, đe dọa chuỗi cung ứng của họ và khiến sản phẩm và dịch vụ của họ trở nên đắt đỏ hơn vào đúng thời điểm nền kinh tế đang hết sức khó khăn.
Ông Michel Barnier - nhà đàm phán Brexit của EU, tuần trước nói rằng ông "không lạc quan" về việc đạt được thỏa thuận với Vương quốc Anh, đồng thời bổ sung rằng EU sẽ đẩy mạnh chuẩn bị cho năm nay để kết thúc mà không có điều khoản thương mại mới.
Nhà đàm phán Brexit của Vương quốc Anh - David Frost, đã nói trong một lá thư gửi cho ông Barnier hôm thứ Ba rằng EU đang đưa ra "một thỏa thuận thương mại chất lượng tương đối thấp".
Đưa ra dẫn chứng về những thiệt hại, David Henig - người từng là nhà đàm phán thương mại và giám đốc Dự án Chính sách thương mại của Anh tại Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu, cho biết: Thuế quan 10% đối với ô tô xuất khẩu đến Liên minh Châu Âu sẽ có hiệu lực nếu không đạt được thỏa thuận mới, điều này sẽ khiến nước Anh mất ít nhất 15 tỷ bảng (18,3 tỷ USD) trong xuất khẩu.
Trong đó, tình hình khôi phục kinh tế dựa vào nội lực cũng rất bi quan. Chi tiêu hộ gia đình - chiếm khoảng 70% GDP ở Anh, quyết định quỹ đạo của sự phục hồi của Vương quốc Anh. Khi các biện pháp giãn cách xã hội kết thúc, điều đáng lo ngại nhất là người Anh sẽ tiếp tục tiết kiệm tiền của họ do lo lắng về công việc của họ hoặc làn sóng nhiễm bệnh thứ hai bùng phát, điều này sẽ làm hạn chế hiệu quả các nỗ lực cứu trợ của chính phủ và ngân hàng trung ương.
Cũng theo các chuyên gia dự báo, ngay cả khi Vương quốc Anh đạt được thỏa thuận thương mại mới với Liên minh châu Âu, nó cũng không thuận lợi như giai đoạn trước. Thủ tướng Johnson đang thúc đẩy một thỏa thuận cho phép Vương quốc Anh cũng đạt được thỏa thuận với các đối tác thương mại như Hoa Kỳ.
Trong dự thảo đề xuất do Chính phủ Anh công bố tuần này, Anh tái khẳng định rằng họ không muốn trở thành một phần của thị trường chung EU, và thay vào đó là tìm kiếm một thỏa thuận phù hợp với những gì khối này có với Canada hoặc Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, việc làm xấu đi các điều khoản thương mại với thị trường chiếm đến gần một nửa xuất khẩu sẽ là một điều tiêu cực đến nền kinh tế. Điều này là một lý do để giới phân tích tin rằng sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế của nước Anhkhông phải là chữ V mà là một chữ U rất dài.
Đánh giá về vấn đề này, Thủ tướng Ireland - Leo Varadkar nhấn mạnh: Brexit sẽ làm các vấn đề trở nên phức tạp thêm. Brexit vẫn chưa kết thúc, hiện tại mới chỉ là giờ nghỉ giải lao...
NAM SƠN (Theo CNN)