Còn nhiều dư địa để cải cách thủ tục hành chính qua cơ chế Một cửa quốc gia

(BKTO) - Việc triển khai cơ chế Một cửa quốc gia đã đem lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa cải cách, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục những nỗ lực nhằm tạo thuận lợi thương mại cho DN.

Tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp

Ngày 03/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Mức độ hài lòng của DN về việc thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế Một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành”.

20221103_105720.jpg
Quanh cảnh Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN

Tính tới cuối tháng 6/2022, Cổng thông tin Một cửa quốc gia đã có 249/261 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 DN. Qua kết quả khảo sát của VCCI từ 3.048 DN trên cả nước, đánh giá 12 thủ tục hành chính có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng cho thấy, việc thực hiện thủ tục hành chính của DN đã có nhiều thuận lợi.

Thông tin cụ thể về kết quả khảo sát, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, VCCI - cho biết, tỷ lệ DN dễ dàng thực hiện các thủ tục đạt từ 45% - 81%. Trong đó, các thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương nhận tỷ lệ đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện cao nhất từ các DN. Trong khi đó, DN dường như vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện những thủ tục của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế Một cửa quốc gia đã đem lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính so với phương thức nộp hồ sơ giấy.

Về thời gian, 10/12 thủ tục hành chính trong diện đánh giá ghi nhận thời gian giảm bớt khi làm thủ tục qua Cổng thông tin Một cửa quốc gia. Số giờ thực tế dành cho việc thực hiện các thủ tục giảm trung bình từ 26% - 54%.

Về chi phí, 10/12 thủ tục hành chính cũng ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua Cổng, với mức giảm chi phí trung bình từ 18% - 82%.

Bên cạnh đó, đánh giá về các nhóm chức năng cơ bản của Cổng thông tin Một cửa quốc gia, nhìn chung, kết quả khảo sát cho thấy các chức năng được cung cấp trên Cổng hoạt động tương đối tốt với số đông DN.

Trong đó, những nhóm tính năng cơ bản như tạo tài khoản đăng nhập, xem và in hồ sơ, quản lý hồ sơ, xem và in giấy phép/giấy chứng nhận được đại đa số DN đánh giá dễ thực hiện. Tuy nhiên, 2 chức năng là chỉnh sửa hồ sơ và rút (hủy) hồ sơ đôi khi vẫn tồn tại những trục trặc nhất định trong quá trình DN thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng. Những chức năng cần cải thiện nhiều nhất theo đánh giá của DN là các tiện ích bổ sung (tải tệp tài liệu, tra cứu thông tin và hỏi đáp vướng mắc).

So sánh kết quả khảo sát năm 2022 so với năm 2019, Báo cáo cho thấy, nếu như trong khảo sát năm 2019, khoảng 73% DN có sự trải nghiệm tương đối hài lòng hoặc hài lòng với mức độ hoạt động ổn định của Cổng thông tin Một cửa quốc gia thì đến khảo sát năm 2022, tỷ lệ này đạt 81%. Tương tự, tỷ lệ DN tương đối hài lòng hoặc hài lòng với khía cạnh tốc độ xử lý tác vụ cũng tăng từ 80% (năm 2019) lên 84% (năm 2022).

Dư địa cải cách còn lớn

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - cho biết, mặc dù ghi nhận những cải thiện trong việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cổng thông tin Một cửa quốc gia so với trước đây, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. 

Đơn cử như, đối với một số thủ tục, việc thực hiện qua Cổng thông tin Một cửa quốc gia lại gây tốn kém thời gian, chi phí hơn so với phương thức nộp hồ sơ truyền thống. Hay như, khi DN cần giải đáp những thắc mắc, vướng mắc kỹ thuật vẫn phải chờ đợi khá lâu, hoặc nhận lại những câu trả lời rất chung chung, hoặc câu trả lời là DN tự nghiên cứu, đọc văn bản…

Điều đó cho thấy dư địa cải cách vẫn còn rất lớn, do đó, các DN mong muốn các Bộ, ngành tiếp tục nỗ lực để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Cổng.

Đưa khuyến nghị cụ thể, ông Phòng cho rằng, Tổng cục Hải quan và các Bộ, ngành cần thường xuyên rà soát quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia.

Đồng thời, các thông tin về tiến độ tiếp nhận và xử lý hồ sơ cần được công khai chi tiết, đầy đủ, dễ tiếp cận với người sử dụng. Các Bộ, ngành cũng cần thường xuyên cập nhật các chính sách, quy định mới trên Cổng.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần công khai, minh bạch thông tin về những vấn đề kỹ thuật, những vướng mắc người dùng thường gặp phải trên Cổng, cũng như giải pháp để xử lý những vướng mắc. Việc thông báo, trao đổi thông tin thường xuyên giữa Tổng cục Hải quan và các Bộ, ngành cũng rất quan trọng nhằm đảm bảo Cổng hoạt động liền mạch và tăng cường sự chủ động ứng phó các sự cố cho các bên liên quan.

Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về cơ chế Một cửa quốc gia cũng cần được thực hiện thường xuyên đến các DN, đặc biệt là DN mới thành lập và mới sử dụng Cổng thông tin Một cửa quốc gia.

Trong tầm nhìn dài hơn, Cổng thông tin Một cửa quốc gia cần bổ sung những tiện ích cho DN như thanh toán điện tử, tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng hoặc các dịch vụ kết nối DN với DN.

Từ góc độ là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức phối hợp, hợp tác với các Bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thực hiện thủ tục trên Cổng, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của cơ chế này. Qua đó, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu./.

Cùng chuyên mục
Còn nhiều dư địa để cải cách thủ tục hành chính qua cơ chế Một cửa quốc gia