Đổi mới toàn diện, đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công

Trong bối cảnh mới hiện nay, yêu cầu đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công đang được đặt ra một cách cấp thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo khoa học “Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 02/11.

hthao.jpg
Đoàn chủ tọa điều hành Hội thảo. Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, việc đổi mới tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương được tổ chức đa dạng, với nhiều nhiệm vụ và loại hình khác nhau. Hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Đặc biệt, thông qua việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu sự nghiệp đã tăng lên, việc thực hiện tiết kiệm chi phí để tăng thu nhập cho người lao động đạt được kết quả tốt hơn…

Tuy nhiên, theo ông Lợi, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn cho thấy, mặc dù đã có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn, nhưng quá trình triển khai thực hiện chủ trương đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

Chẳng hạn như, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập chưa gắn liền với đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ về tài chính, nguồn thu từ dịch vụ sự nghiệp còn ít và tăng trưởng chậm, vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn; nhiều đơn vị sự nghiệp công lập chưa thể thích nghi ngay với cơ chế tự chủ, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn về thực trạng tác động của quy định pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; các vấn đề liên quan đến sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập…

Từ những trao đổi tại Hội thảo, ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - nhấn mạnh, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt chính sách về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước hết là, cần xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết. Song song với đó, cần tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện nhiệm vụ đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, thường xuyên, định kỳ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết…/.

Cùng chuyên mục
Đổi mới toàn diện, đồng bộ hệ thống các đơn vị dịch vụ sự nghiệp công