Còn nhiều dư địa giảm chi phí logistics

(BKTO) - Chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025 (chi phí logistics chiếm khoảng từ 16-20% GDP).

bt-thang.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, theo thống kê, hiện nay, chi phí logistics chiếm 18% GDP, cao gấp đôi các nước phát triển, trong đó chi phí vận tải chiếm từ 1/3 đến 2/3 chi phí logistics.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giảm chi phí vận tải, giảm chi phí logistics trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, chi phí logistics trong những năm vừa qua đã có sự cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2022, chi phí logistics đang chiếm 16,8% GDP, trong khi khoảng từ năm 2018 trở về trước thì chi phí này lên tới 21% GDP.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng, Bộ trưởng nói chi phí logistics hiện nay đã giảm, nhưng trong thực tế chi phí này rất cao, trung bình là 16,8 đến 17% trên giá trị hàng hóa chứ không phải trên GDP, thậm chí có những mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20-25%.

Theo đại biểu, muốn giảm gánh nặng này phải làm quyết liệt từng khâu, những vấn đề dù rất nhỏ nhưng nếu lưu tâm đều có thể tìm ra cách tốt hơn, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.

Phản hồi tranh luận của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo thông lệ quốc tế, chi phí logistics đều được so sánh với GDP. Năm 2022 chi phí logistics nước ta ở mức 16,8% GDP. Tỷ lệ này còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025 (chi phí logistic chiếm khoảng từ 16-20%).

“Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư. Đây cũng kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí logistic còn rất nhiều” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để tiếp tục giảm chi phí logistics, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ; đầu tư phát triển các cảng cạn, trung tâm logistic để đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương tính toán phương án kết nối đầu tư giữa các vùng, trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt; đặc biệt là tăng cường kết nối giữa cảng biển với các tuyến cao tốc, cảng biển với đường thủy nội địa nhằm khai thác triệt để lợi thế các luồng vận tải thủy.

Giải pháp tiếp theo được Bộ trưởng đưa ra là phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như giảm sử dụng phí đường bộ, phí hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển.

Đồng thời, tập trung ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến việc vận hành, khai thác các chuỗi cung ứng logistics để các doanh nghiệp khai thác logistics và các doanh nghiệp cảng biển có điều kiện để giảm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc kiểm soát các chi phí để làm sao phát triển các cảng xanh, cảng thông minh, góp phần giảm thời gian tiếp nhận tàu ra, vào, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho các chủ hàng vào và tăng năng suất khai thác.

Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ chủ động phối hợp, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong hoạt động đầu tư khai thác hạ tầng, tránh dàn trải và gây cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến lãng phí xã hội.

Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt nhất việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quan tâm đến việc kết nối mạng lưới giao thông. Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quy hoạch cảng hàng không, chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, giảm chi phí logistics - Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
  • Tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Đại biểu Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh.
  • Gỡ khó cho doanh nghiệp ngành giao thông đầu tư dự án PPP
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu và sắp tới sẽ đề xuất một số giải pháp để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư PPP.
  • Tìm cơ chế phát huy hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học công nghệ
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chi Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) chủ yếu dành cho tổ chức chương trình, đề tài, dự án chiếm tới 84,4%, trong khi đó, các khoản chi cho hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ tại doanh nghiệp đến nay chỉ chiếm 14,5% - đại biểu Quốc hội phản ánh.
  • Dành nguồn lực phát triển nhà ở xã hội
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Dự thảo Luật quy định khá chi tiết về xác định giá thuê, thuê mua, bán NOXH do Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cũng như trách nhiệm của các bên trong đầu tư xây dựng NOXH.
  • 5,26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới
    một năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 5 tháng đầu năm giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10,86 tỷ USD - bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Còn nhiều dư địa giảm chi phí logistics