Tham mưu cơ chế xử lý, giảm thiệt hại cho nhà đầu tư
Chiều 07/6, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) phản ánh, vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ Giao thông vận tải đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh làm phá vỡ phương án tài chính của dự án.
“Cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được một năm, Bộ Giao thông vận tải đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ đi sau trạm thu phí của dự án này, gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản” - đại biểu dẫn chứng và đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và phương án giải quyết vấn đề trên.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận có tình trạng như đại biểu phản ánh.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình phát triển đất nước, trong đó có chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không tính toán hết được. Cách đây 10, 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, trong khi nguồn lực có hạn và Nhà nước cũng tạo mọi điều kiện để mời gọi các nhà đầu tư.
Đến khi kinh tế - xã hội phát triển cùng với việc tiếp tục xây dựng các quy hoạch chiến lược, chúng ta cũng rà soát lại và thấy cần phải tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối. Vì thế, rất nhiều dự án sẽ bị ảnh hưởng.
“Sắp tới, khi chúng ta hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng. Đơn cử, chúng ta vừa khánh thành tuyến Dầu Giây - Phan Thiết thì riêng tháng vừa qua, tuyến BOT trên Quốc lộ 1A giảm tới 83% doanh thu tại Bình Thuận” - Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Theo Bộ trưởng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã quy định, khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp vượt quá 125% so với dự tính, tức là doanh thu vượt quá 125% thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho Nhà nước. Đổi lại, nếu như doanh thu xuống dưới 75% theo dự kiến thì Nhà nước phải chia sẻ.
Vì vậy, sắp tới, cùng với việc tham mưu cho Ban Cán sự đảng Chính phủ, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu trình Quốc hội và Chính phủ về cơ chế xử lý đối với các dự án BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước khi đầu tư các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường tránh thì các dự án này bị ảnh hưởng.
Thu hút mạnh đầu tư PPP bằng cách nào?
Cũng liên quan đến việc thực hiện các dự án PPP, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) chỉ ra, hiện nay, có một số dự án đã phê duyệt chủ trương theo hình thức PPP, tuy nhiên, sau đó lại chuyển qua hình thức đầu tư công. Dự án chưa triển khai thực hiện mà phải điều chỉnh chủ trương đầu tư làm thời gian chuẩn bị dự án kéo dài và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai dự án. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết có những giải pháp nào để khắc phục trong thời gian tới?
Phản hồi ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đây là một vấn đề mà cá nhân ông và ngành giao thông vận tải rất trăn trở. Bởi từ khi ban hành Luật PPP đến nay, chúng ta chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu và sắp tới sẽ đề xuất một số giải pháp để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư PPP.
“Nhu cầu đầu tư hạ tầng chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021-2025 cần 462.000 tỷ. Thực tế đến giờ phút này chúng ta mới bố trí được 66% và rất cần những nguồn vốn xã hội hóa để tham gia vào kết cấu hạ tầng giao thông” - Bộ trưởng chia sẻ và cho rằng, phải có một hệ thống giải pháp hết sức đồng bộ trong vấn đề này, nhất là phải tạo được lòng tin cho các doanh nghiệp, tạo được sự bình đẳng với các doanh nghiệp.
Đặc biệt, về mặt thể chế, phải xem xét để có những điều chỉnh cho phù hợp.
“Chúng ta quy định doanh thu mà tăng lên trên 125% thì doanh nghiệp phải chia sẻ với Nhà nước hay doanh thu giảm xuống dưới 75% thì Nhà nước phải bù. Nhưng bù như thế nào, bù ở đâu, nguồn nào thì chưa rõ” - Bộ trưởng dẫn chứng.
Hay khi doanh nghiệp ký hợp đồng thì trong hợp đồng đã quy định rất rõ thời điểm nào được tăng phí. Nhưng suốt từ năm 2019 đến nay, để ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta không thực hiện việc cho các doanh nghiệp tăng phí theo hợp đồng, dẫn đến doanh thu không đảm bảo; khi doanh thu không đảm bảo lại dẫn đến hệ lụy với ngân hàng, nợ quá hạn…
“Tất cả những việc này chúng ta phải tháo gỡ, thậm chí là tháo gỡ cả những vấn đề liên quan đến ngân hàng. Một dự án BOT thường thời gian từ khoảng 15 - 35 năm, bình quân thì khoảng 20 năm. Trước đây, khi kinh tế tốt, “sức khỏe” doanh nghiệp tốt thì doanh nghiệp lấy các nguồn doanh thu để bù vào. Nhưng bây giờ kinh tế khó khăn, vòng đời của dự án là 20 năm mà ngân hàng lại chỉ cho vay 10 - 12 năm thì không thể làm được” - Bộ trưởng nêu quan điểm.
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị phối hợp với các địa phương để tổ chức Hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trước khi tổ chức, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề huy động các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.