Chia sẻ tại Hội thảo “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan: Thành tựu và triển vọng” mới diễn ra, bà Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, sau 50 năm thiết lập mối bang giao, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hà Lan đã đạt được những thành quả tích cực và được lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định là “điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả và thiết thực”.
Đặc biệt, vào năm 2019, Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, dựa trên 2 trụ cột là 2 đối tác chiến lược theo lĩnh vực: “Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực” và “Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đối khí hậu và quản lý nước”.
Về những kết quả trong hợp tác thương mại, bà Lê Thị Thanh Minh - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, Hà Lan luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hiện tại, Hà Lan đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam trên thế giới và thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) (sau Đức). Đồng thời, Việt Nam là thị trường xuất khẩu đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới của Hà Lan.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước mới chỉ đạt 2,2 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt gần 1,7 tỷ USD. Đến năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 11,09 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hà Lan đạt trên 10,4 tỷ USD và gấp hơn 6 lần so với năm 2010. Trong 11 tháng năm 2023, trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Hà Lan đạt trên 9,9 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu là 9,3 tỷ USD, nhập khẩu là 0,6 tỷ USD.
Qua các năm, Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang Hà Lan. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Hà Lan bao gồm: điện thoại, đồ điện tử, dệt may, giày dép, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản… Đồng thời, nhập khẩu từ Hà Lan máy móc thiết bị, linh kiện, dược phẩm, hóa chất và sản phẩm sữa…
Trong giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình giữa Hà Lan và Việt Nam đạt trên 13,8%/năm. Kể từ năm 2020 đến nay, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tốc độ tăng trưởng kim ngạch bình quân giữa hai nước vẫn đạt khoảng 15,8%/năm.
Về đầu tư, theo ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các dự án đầu tư của Hà Lan vào Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nhưng là các dự án của các tập đoàn lớn, hoạt động tốt.
Lũy kế đến tháng 10/2023, Hà Lan đứng thứ 8 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 14,3 tỷ USD và 432 dự án còn hiệu lực. Ở chiều ngược lại, hiện Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Hà Lan, với tổng vốn đăng ký đạt 69,7 triệu USD.
Chia sẻ về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam đánh giá cao vai trò tiên phong của EU, trong đó có Hà Lan, trong việc thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế toàn cầu xanh và tuần hoàn, góp phần chuyển biến những thách thức hiện nay thành những cơ hội cho kinh tế thế giới.
“Đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam chủ trương thực hiện “tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động mới”. Trong đó, quan điểm phát triển xuyên suốt của Việt Nam là xanh và bền vững, xử lý hài hòa phát triển kinh tế trong mối quan hệ với các vấn đề môi trường” - lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết.
Gợi mở một số hướng phát triển hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh việc nghiên cứu, đề xuất những sáng kiến, ý tưởng, dự án mang tính trọng điểm, sẽ tạo nên sự hợp tác thành công giữa hai nước trong chuyển đổi xanh. Quá trình này rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp hai bên - hạt nhân trong thực hiện các sáng kiến xanh.
Cùng với đó, Chính phủ hai bên giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước kết nối, hợp tác về các khía cạnh như cung cấp nguồn tài chính xanh, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và cùng nhau hợp tác để đáp ứng với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững.
Bà Hằng cũng đề nghị hai bên cần tăng cường hợp tác trong nghiên cứu phát triển để đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu của khu vực trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và hình thành chuỗi giá trị hydrogen xanh ở Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp Hà Lan có thể xem xét tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, công nghiệp phát thải thấp…
Đồng thời, các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam cần tăng cường hợp tác, đặc biệt là tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên phát triển như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo…
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần thảo luận các biện pháp để tận dụng triệt để những lợi ích từ EVFTA, qua đó củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU nói chung và Việt Nam - Hà Lan nói riêng./.