Công bố Chỉ số MOBI 2018: Hầu hết các Bộ, cơ quan trung ương không công khai ngân sách

(BKTO) - Ngày 30/7, Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) đã công bố Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan T.Ư năm 2018 (MOBI 2018). Tuy nhiên, có 25/37 Bộ và cơ quan T.Ư được khảo sát đã không công khai tài liệu ngân sách nào. Điều đáng chú ý, các Bộ, cơ quan T.Ư chi càng nhiều ngân sách thì mức độ công khai càng thấp.



25 Bộ, cơ quan trung ương “trắng” thông tin

MOBI 2018 được đánh giá dựa trên các tài liệu ngân sách công khai tại cổng thông tin điện tử của 37 Bộ và cơ quan T.Ư, trong đó có 31 Bộ, cơ quan ngang Bộ (không bao gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và 6 cơ quan T.Ư được NSNN hỗ trợ.

Theo quy định, có 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật NSNN 2015, gồm: Dự toán thu - chi ngân sách đơn vị năm 2019; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý 1 năm 2018; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 6 tháng đầu năm 2018; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 9 tháng đầu năm 2018; báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2018 và quyết toán thu chi NSNN năm 2017.

Qua đó, nhóm nghiên cứu đã đánh giá mức độ công khai các tài liệu này dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ và tính thuận tiện.

PGS,TS. Vũ Sỹ Cường - đại diện nhóm khảo sát - cho biết: Các Bộ, cơ quan T.Ư chưa tuân thủ đầy đủ quy định về công khai ngân sách, 37 Bộ, cơ quan T.Ư được khảo sát chỉ đạt mức “ít công khai”, không có đơn vị nào đạt mức độ “công khai đầy đủ”, “tương đối đầy đủ” và “chưa đầy đủ”.

Đài Truyền hình Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng nhưng cũng chỉ đạt 21,91/100 điểm. Đứng thứ hai là T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với 19,76 điểm. Bộ Tài chính chỉ đứng ở vị trí thứ 3 với 18,52 điểm, Bộ Công Thương ở vị trí thứ 4 với 17,91 điểm.

Đặc biệt, có 25/37 Bộ, cơ quan T.Ư được khảo sát không công khai bất kỳ tài liệu ngân sách nào tại thời điểm khảo sát (chiếm 67,57%). Trong đó, 5 đơn vị có thư mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử nhưng không có tài liệu ngân sách đính kèm, 20 đơn vị không có thư mục công khai ngân sách và không công khai tài liệu ngân sách nào trên cổng thông tin điện tử tại thời điểm khảo sát.

Một điều đáng lưu ý nữa được PGS,TS. Vũ Sỹ Cường đề cập, đó là: các Bộ, cơ quan T.Ư chỉ công khai số liệu mà không có báo cáo thuyết minh (trừ Bộ Công Thương - đơn vị duy nhất công khai đầy đủ thuyết minh tài liệu, quyết định công khai và bảng biểu đính kèm dự toán thu - chi ngân sách của đơn vị năm 2019).

Theo ông Vũ Sỹ Cường, báo cáo thuyết minh là tài liệu quan trọng để người đọc biết vì sao ngân sách thay đổi. Nếu chỉ công bố số liệu như hiện tại thì ngay cả chuyên gia cũng không hiểu được quá trình chi tiêu ngân sách của các Bộ, ngành. Các nước trên thế giới, khi công khai ngân sách trên website đều có báo cáo thuyết minh đầy đủ, giải thích lý do thu, chi thay đổi do đâu.

Đánh giá về tình hình thực hiện công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan T.Ư năm 2018, ông Phạm Đình Cường - Chuyên gia tài chính công của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho rằng: Điều đáng buồn là các Bộ sử dụng ngân sách lớn như: Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... lại không thực hiện công khai ngân sách theo quy định. Đơn cử, Bộ Giao thông vận tải là đơn vị có tổng số chi NSNN lớn nhất năm 2019 với gần 58.560 tỷ đồng nhưng chỉ số công khai ngân sách chỉ đạt 3,7/100 điểm...

Quốc hội cần giám sát việc công khai ngân sách

Qua kết quả MOBI 2018, BTAP khuyến nghị các Bộ, cơ quan T.Ư cần công khai đầy đủ, kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định tại chuyên mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của đơn vị; tài liệu công khai cần sử dụng định dạng thân thiện với người sử dụng là word, excel. Cùng với đó, các tài liệu như bảng biểu, phụ lục, báo cáo thuyết minh cần phải được công khai kịp thời.

Nhằm cải thiện tình hình công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan T.Ư, BTAP cũng khuyến nghị nội dung giám sát tình hình thực hiệ̣n công khai ngân sách cần được bổ sung vào chương trình giám sát hằng năm của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội có thể xem xét hoạt động công khai NSNN của các Bộ, cơ quan T.Ư như một trong những điều kiện để đánh giá về hoạt động của các đơn vị này.

Bộ Tài chính cần hướng dẫn thêm về việc xây dựng thư mục công khai ngân sách, định dạng của các tài liệu được công khai ngân sách để tạo điều kiện cho người dân trong việc tiếp cận thông tin về NSNN của các đơn vị dự toán ngân sách hoặc đơn vị được NSNN hỗ trợ. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn công khai một số loại tài liệu ngân sách của các Bộ, cơ quan T.Ư như: Dự thảo Dự toán ngân sách, Dự toán NSNN, Quyết toán NSNN và có truyền thông rõ ràng để người dân có thể theo dõi thông tin. Điều này sẽ góp phần cải thiện hiệu quả trong việc phân bổ và sử dụng ngân sách cấp T.Ư.

Cùng với đó, theo BTAP, KTNN cần thực hiện kiểm toán việc tuân thủ quy định về công khai, minh bạch ngân sách của các đơn vị được kiểm toán theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 32 Luật KTNN năm 2015 và Chuẩn mực KTNN số 400 về các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tuân thủ.         
Theo BTAP, KTNN cần thực hiện kiểm toán việc tuân thủ quy định về công khai, minh bạch ngân sách của các đơn vị được kiểm toán theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 32 Luật KTNN năm 2015 và Chuẩn mực KTNN số 400 về các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tuân thủ.
MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 01-8-2019
Cùng chuyên mục
Công bố Chỉ số MOBI 2018: Hầu hết các Bộ, cơ quan trung ương không công khai ngân sách