Công bố giá thành sản xuất điện năm 2020 là 1.826,22 đ/kWh, giảm 1,22% so với năm 2019

(BKTO) - Căn cứ vào kết quả của Đoàn kiểm tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị thành viên, Bộ Công Thương vừa công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN với tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2020 là 396.199,38 tỷ đồng.



                
   

Điều hành hệ thống điện. Ảnh: EVN

   

Trong chi phí này bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành tương ứng với sản lượng điện năng giao nhận là 231,54 tỷ kWh và sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 216,95 tỷ kWh.

Đoàn kiểm tra cũng lưu ý rằng, các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên.

Đặc biệt, Đoàn kiểm tra xác định giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020 theo sản lượng điện thương phẩm là 1.826,22 đ/kWh, giảm 1,22% so với năm 2019.

Đối với khâu phát điện, tổng sản lượng điện năng giao nhận năm 2020 là 231,54 tỷ kWh, tăng 3,36% so với sản lượng điện giao nhận năm 2019 (224,01 tỷ kWh). Với sản lượng điện năm 2020 nêu trên, tổng chi phí khâu phát điện năm 2020 là 310.962,60 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.433,34 đ/kWh.

Theo Bộ Công Thương, có một số yếu tố gây biến động chi phí khâu phát điện năm 2020 so với năm 2019. Cụ thể, đối với các nhà máy thủy điện, nhiệt điện của các Tổng công ty Phát điện, IPP và nhập khẩu, tổng sản lượng điện năm 2020 đạt 157,15 tỷ kWh. Trong đó, sản lượng từ thủy điện là 28,224 tỷ kWh, nhiệt điện than là 91,02 tỷ kWh, nhiệt điện khí là 34,30 tỷ kWh, nhiệt điện dầu là 0,54 tỷ kWh và nhập khẩu là 3,06 tỷ kWh. Tổng chi phí các nhà máy điện này năm 2020 là 225.540,9 tỷ đồng.

Đối với các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc của EVN, các nhà máy này đã phát điện với tổng sản lượng điện khoảng 48,54 tỷ kWh, tăng 19,2% so với năm 2019. Tổng chi phí các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc của EVN năm 2020 là 41.859,75 tỷ đồng.

Với các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT), tổng sản lượng điện các nhà máy điện gió, mặt trời, và sinh khối đạt khoảng 10,7 tỷ kWh. Tổng chi phí phí mua điện năm 2020 từ các nhà máy điện này là 22.806,49 tỷ đồng.

Đối với nguồn điện NLTT khác bao gồm các nhà máy thủy điện nhỏ và điện mặt trời áp mái do các Tổng công ty Điện lực mua, tổng sản lượng điện các nguồn điện này năm 2020 là 14,85 tỷ kWh. Chi phí mua điện của các Tổng công ty Điện lực năm 2020 là 20.091,7 tỷ đồng.

Trong khâu truyền tải điện, tổng sản lượng điện truyền tải năm 2020 là 203,85 tỷ kWh. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.855,56 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 77,69 đ/kWh.

Còn tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 66.936,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 308,54 đ/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo là 265,45 tỷ đồng.

Riêng với khâu phụ trợ - quản lý ngành, tổng chi phí là 1.444,23 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,66 đ/kWh.

Theo số liệu Đoàn kiểm tra xác nhận, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2020 là 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2020 là 394.892,09 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2020 là 1.820,20 đ/kWh, giảm 1,68% so với năm 2019.

Lý giải việc giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2020 giảm so với năm 2019, Bộ Công Thương cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã thay đổi cơ cấu tỷ trọng phụ tải của các nhóm khách hàng sử dụng điện, đặc biệt nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ có giá bán điện cao, năm 2020 tiêu thụ sản lượng điện với tỷ trọng thấp, các khách hàng thuộc thành phần thương nghiệp - dịch vụ có sản lượng giảm sâu. Bên cạnh đó, EVN đã thực hiện 02 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện để hỗ trợ các khách hàng với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng.

Tính chung lại, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2020 của EVN lỗ 1.307,29 tỷ đồng.

Cũng theo xác nhận của Đoàn kiểm tra, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2020 là 6.049,53 tỷ đồng, bao gồm thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng; thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty Điện lực; thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của Công ty mẹ EVN và các Tổng công ty Điện lực.

Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện nêu trên năm 2020 của EVN lãi 4.742,24 tỷ đồng.

Về các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện đã hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020 gồm chênh lệch tỷ giá (CLTG) theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện của năm 2018 với số tiền khoảng 3.630,3 tỷ đồng; một phần khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2019 với số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng.

Các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2020 bao gồm phần còn lại khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,80 tỷ đồng và khoản CLTG theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện phát sinh năm 2020 với số tiền khoảng 4.566,94 tỷ đồng./.
H.THOAN
(Tin văn bản)
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Miền Trung và Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta, với tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn so với các khu vực khác. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), giảm thiểu thiệt hại, các cơ quan chức năng cần tập trung vào công tác dự báo, cảnh báo; xây nhà tránh lũ cho người dân, cũng như cần đánh giá, rà soát vấn đề ngập tại các tuyến đường giao thông, sạt lở bờ sông, bờ biển…
  • Hàn Quốc mở thầu nhập khẩu gần 28 nghìn tấn gạo Việt Nam
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Theo Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Hàn Quốc đang mở thầu nhập khẩu gạo theo hạn ngạch thuế quan năm 2022, trong đó có mở thầu cho các DN xuất khẩu gạo của Việt Nam.
  • Cần giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) – Ngày 25/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19”. Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, cần có nhóm giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững để giải quyết cấp bách vấn đề này.
  • Tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) - Người lao động khó khăn trong việc xin Giấy Chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội khi điều trị Covid-19 tại nhà; thiếu hỗ trợ của y tế địa phương đối với người mắc Covid-19 tự điều trị; loạn giá kit xét nghiệm… là những vấn đề nổi cộm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Ủy ban Pháp luật báo cáo Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
  • Quản lý kinh tế trong hoạt động báo in, báo điện tử
    2 năm trước Chính trị
    (BKTO) –Ngày 24/02, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về quản lý kinh tế trong hoạt động báo in, báo điện tử.
Công bố giá thành sản xuất điện năm 2020 là 1.826,22 đ/kWh, giảm 1,22% so với năm 2019