Thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên có tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn so với các khu vực khác trên cả nước - Ảnh minh họa: TTXVN |
Nơi thiên tai diễn ra khốc liệt nhất cả nước
Miền Trung và Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố, là khu vực có địa hình phức tạp với trên 1.900 km bờ biển, hệ thống sông, suối dày đặc, ngắn, dốc. Theo thống kê, trong 40 năm gần đây, có 148 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó 94 cơn đổ bộ vào khu vực miền Trung (chiếm trên 64%) tập trung trong các tháng 9 đến 11.
Trong đó, từ giữa tháng 9 đến 15/11/2020, khu vực Duyên hải miền Trung đã liên tiếp xảy ra 4 đợt lũ lớn trên 16 tuyến sông chính trong khu vực. Mưa lũ đã làm 78 người chết, mất tích; 473.449 lượt nhà bị ngập, hư hại… với thiệt hại ước tính khoảng 36.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ giữa tháng 9 đến 12/2021, khu vực miền Trung và Tây Nguyên lại tiếp tục chịu ảnh hưởng liên tiếp của 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ, làm nhiều người chết và mất tích, tổng thiệt hại về vật chất khoảng 4.500 tỷ đồng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT Trần Quang Hoài cho biết, trước những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng hướng dẫn của T.Ư; chủ động phương án ứng phó và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả trong công tác cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân… Tuy nhiên, công tác PCTT trong khu vực vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, một số giải pháp thực hiện thiếu bền vững.
Trong khi đó, theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2022, sẽ có khoảng 10 - 12 cơn bão, trong đó 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Từ Bắc Trung bộ trở vào dự báo có tác động của bão từ tháng 7, 8 và kéo dài đến tháng 11. Năm nay sẽ xuất hiện mưa sớm ở cả Tây Nguyên và Trung bộ, tuy nhiên, lượng mưa có thể ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng
Để nâng cao năng lực công tác PCTT, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tập trung nguồn lực thực hiện công tác dự báo, cảnh báo, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, bổ sung lắp đặt trạm đo mưa tự động; rà soát, sửa đổi quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ để khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách xây dựng nhà an toàn cho người dân trong khu vực; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ; cập nhật các phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.
Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ) Đào Quang Tuynh cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải đánh giá, rà soát vấn đề ngập tại các tuyến đường giao thông, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, hướng dẫn xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai phù hợp... để có những giải pháp hiệu quả, từ đó nâng cao tính chủ động trong công tác PCTT.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề xuất, T.Ư cần xây dựng Đề án Phát triển bền vững khu vực trọng điểm miền Trung thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu (chọn tỉnh Quảng Nam làm điển hình); đặc biệt cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho việc tái thiết sau thiên tai tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, cần có khoản vay khẩn cấp ngoài ngân sách để thực hiện hỗ trợ, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đề nghị, T.Ư hỗ trợ kinh phí, thực hiện công tác nâng cao năng lực PCTT; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong công tác PCTT.
Là địa phương thường xuyên chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho rằng, T.Ư cần có cơ chế chính sách cho dân vùng lũ. Bởi địa hình miền Trung có độ dốc lớn, nên khi mưa to, lũ thường lên rất nhanh; hơn nữa, khi gặp mưa lớn trên diện rộng thì tài sản của người dân bị mất mát, thiệt hại nặng nề. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị T.Ư hỗ trợ xây nhà tránh lũ quy mô nhỏ cho nhân dân nằm trong vùng thường xuyên bị ngập lụt ở khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Trị.