Công cụ hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

(BKTO) - Tháng 10/2018, Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật Liên minh châu Âu (EU) triển khai sử dụng Sổ Theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em tại 15 tỉnh, thành phố, tiến tới nhân rộng ra toàn quốc. Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em là một công cụ quan trọng góp phần phát hiện sớm các nguy cơ, bệnh tật, tai biến sản khoa, các dị tật bất thường bào thai, các dấu hiệu bất thường của trẻ nhỏ… từ đó có hướng xử lý kịp thời, góp phần giảm tử vong ở bà mẹ, trẻ em.



                
   

Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em mang lại nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em - Ảnh: ST

   
Theo TS. Trần Đăng Khoa- Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ- trẻ em, Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai tại Nhật Bản gần 70 năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực trong cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Mô hình này cũng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là cuốn sổ tổng hợp được dùng để theo dõi, tư vấn và chăm sóc liên tục về sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đối với bà mẹ, việc theo dõi- chăm sóc bắt đầu từ khi mang thai cho đến khi sinh đẻ và 6 tuần sau đẻ. Đối với trẻ, theo dõi từ khi ở trong bụng mẹ, chăm sóc sau đẻ, trong giai đoạn sơ sinh, theo dõi- chăm sóc sự phát triển thể chất, tinh thần đến 6 tuổi. Cuốn sổ còn ghi chép đầy đủ những thông tin liên quan đến sức khỏe bà mẹ trong thời gian mang thai và trẻ em. Việc theo dõi sổ sức khỏe bà mẹ, trẻ em giúp cho việc theo dõi phát hiện các nguy cơ, bệnh tật, tai biến sản khoa, các dị tật bất thường bào thai, các dấu hiệu bất thường của trẻ nhỏ… để có hưởng xử lý kịp thời, góp phần giảm tử vong cho cả mẹ và bé.

Tại Việt Nam, Vụ Sức khỏe Bà mẹ- trẻ em đã triển khai thí điểm Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ từ năm 1998. Tiếp đó, đến năm 2011, Dự án sử dụng Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, mạng lại hiệu quả thiết thực cho những người hưởng lợi là các bà mẹ mang thai và các em nhỏ.

Thực tế triển khai cho thấy, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo kỹ năng chuyên môn cho cán bộ y tế ở các tuyến. Sau khi tập huấn, cán bộ, nhân viên y tế được hướng dẫn cách sử dụng sổ để ghi chép, theo dõi không bị gián đoạn, từ đó quản lý chặt chẽ số lượng thai phụ và những thai phụ có nguy cơ cao để chuyển tuyến kịp thời, giúp bác sĩ ở các tuyến trên nắm bắt được quá trình mang thai của các bà mẹ để xử trí và can thiệp hiệu quả, hạn chế các tai biến sản khoa không đáng có, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Đặc biệt, việc triển khai Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em đến cộng đồng trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức của các bà mẹ, nhất là trong việc đi khám thai định kỳ, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tỷ lệ bà mẹ đi khám thai, tiêm phòng uốn ván tại trạm y tế, tỷ lệ trẻ đi tiêm chủng, cân đo dinh dưỡng, khám chữa bệnh tại trạm y tế ở nhiều địa phương đạt tỷ lệ từ 95-100%. Nhiều bà mẹ biết cách chăm sóc trẻ khoa học, biết cho con ăn đủ chất, đủ lượng, biết xử trí một số bệnh thông thường, tỷ lệ cho bú sớm và bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng lên...

“Sổ theo dõi Sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một công cụ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em; giúp tăng cường năng lực quản lý, giám sát của Bộ Y tế; nâng cao kiến thức và kỹ năng của cán bộ y tế, nhân viên y tế; nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ mang thai và người chăm sóc trẻ nhỏ; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em”- ông Trần Đăng Khoa đánh giá.

Để nhân rộng những kết quả tích cực trên, trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ kỹ thuật liên minh châu Âu, Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẽ được triển khai tại 15 tỉnh gồm: Lâm Đồng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Giang, và An Giang. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đang triển khai thí điểm Sổ Theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên phiên bản điện tử tại tỉnh Thái Nguyên và trong thời gian tới sẽ được triển khai áp dụng trên toàn quốc, giúp cho việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ngày càng thuận tiện và hiệu quả hơn.

KIM AN
Cùng chuyên mục
Công cụ hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em