Công cụ hữu hiệu phục vụ cho hoạt động của Quốc hội

(BKTO) - Trải qua 1/4 thế kỷ xây dựng và trưởng thành, KTNN đã lớn mạnh về mọi mặt, đã trở thành một cơ quan kiểm tra tài chính công uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và từng bước hiện đại. Nhân dịp niệm 25 năm ngày thành lập (11/7/1994- 11/7/2019) Báo điện tử Kiểm toán xin giới thiệu ý kiến của Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về những đóng góp của KTNN trong hoạt động của Quốc hội.



Tôi đánh giá rất cao hoạt động của KTNN trong thời gian qua. Nhờ có KTNN mà phát hiện nhiều vụ án, nhiều hành vi tiêu cực về ngân sách rất lớn. KTNN rất khách quan, trung thực, chỉ ra các sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong sử dụng NSNN, tài sản công cho các cơ quan, đơn vị. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận và cần được KTNN phát huy cao hơn nữa trong thời gian tới.

Qua thực tế tiếp xúc với các DN, đơn vị được kiểm toán, có ý kiến cho rằng, KTNN quá nguyên tắc trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, với vai trò là cơ quan hoạt động độc lập, Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu, KTNN được giao kiểm toán toàn bộ tài sản công, tài chính công và các hoạt động có liên quan thì việc KTNN thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy định pháp luật là quan trọng và rất phù hợp. Điều đó cũng đặt ra đòi hỏi các kiểm toán viên phải có cái tâm, cái tầm, khách quan, công tâm, vô tư trong thực hiện kiểm toán. Bởi nếu chỉ cần lệch đi một chút sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Là một đại biểu Quốc hội, cá nhân tôi nhận được rất nhiều thông tin, báo cáo từ KTNN. Từ những báo cáo đó đã gợi mở, giúp tôi phát hiện nhiều vấn đề và kết quả kiểm toán có thể trở thành nội dung để tôi chất vấn các Bộ trưởng. Việc lấy thông tin từ báo cáo của KTNN luôn đảm bảo chính xác, tin cậy và rất bổ ích với đại biểu Quốc hội. Vì vậy, KTNN chính là công cụ hữu hiệu phục vụ cho hoạt động của Quốc hội nói chung và đặc biệt là hoạt động giám sát.

Tuy nhiên, trong giám sát các vấn đề tại địa phương hiện nay, sự phối hợp giữa KTNN các khu vực với các đoàn đại biểu Quốc hội còn rất hạn chế do KTNN khu vực thường phải phụ trách kiểm toán nhiều tỉnh, thành. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương với KTNN khu vực. Hiện nay, có quy chế phối hợp giữa KTNN với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mà chưa có Quy chế phối hợp giữa KTNN với Đoàn đại biểu Quốc hội. Vì vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu, triển khai vấn đề này. Khi Đoàn đại biểu Quốc hội đi giám sát có thể mời đại diện KTNN tham gia sẽ rất hiệu quả.

Đ. NGỌC (ghi)
Cùng chuyên mục
Công cụ hữu hiệu phục vụ cho hoạt động của Quốc hội