Tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Nguyễn Quang Thành, Đoàn Xuân Tiên, Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh và các lãnh đạo đơn vị trực thuộc KTNN.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: H.LONG |
Theo Báo cáo tại Hội nghị, nhờ sự nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, toàn Ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, Kế hoạch kiểm toán năm 2019 của KTNN đã được xây dựng chủ động, minh bạch, chi tiết các đầu mối kiểm toán, giúp giảm thiểu sự chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra. Năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán tiếp tục được nâng lên trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán… Đặc biệt, việc thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2019 đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.
Tính đến ngày 30/6/2019, toàn ngành đã triển khai 126/220 cuộc kiểm toán (đạt 57,2%), kết thúc kiểm toán 108/220 cuộc, phát hành 53/246 báo cáo kiểm toán. Các cuộc kiểm toán đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước, 100% các cuộc kiểm toán phát hành báo cáo kiểm toán theo đúng quy định. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 30/6/2019 là 37.513,4 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, KTNN kiến nghị thu về NSNN 9.029,1 tỷ đồng; giảm chi NSNN 10.076,4 tỷ đồng và xử lý khác 18.407,9 tỷ đồng. |
Đồng thời, KTNN đã kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân. Trong đó, KTNN đã chuyển 02 vụ việc sang cơ quan điều tra, cung cấp 31 báo cáo kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đến ngày 30/6/2019, KTNN đã ban hành 21/21 kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2018. Về cơ bản, các đơn vị được kiểm toán đều đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm kiến nghị của KTNN, trong đó kết quả thực hiện kiến nghị của các đơn vị được KTNN chuyên ngành Ia kiểm toán đạt 98,3%; của các đơn vị được KTNN chuyên ngành Ib kiểm toán đạt 87%...
Cũng trong 6 tháng đầu năm, KTNN đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 với kết quả xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 44.466 tỷ đồng, tăng 18,39% so với năm 2017; kiến nghị sửa đổi, thay thế 160 văn bản pháp luật không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trình bày Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 trước Quốc hội với nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao. Bên cạnh đó, KTNN đã chủ động gửi Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN năm 2019 và phân bổ ngân sách T.Ư năm 2019 để Quốc hội xem xét, phê duyệt…
Trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trình bày Tờ trình về dự án Luật trước Quốc hội và tiếp thu ý kiến đóng góp để toàn Ngành tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. KTNN cũng đang tích cực triển khai xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn đến năm 2035; ban hành Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành Đề án số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của KTNN, ban hành phương án tinh giản biên chế hàng năm cho giai đoạn 2019- 2021…
Hoạt động hợp tác quốc tế 6 tháng đầu năm đã thực hiện theo đúng kế hoạch đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2019, đem lại hiệu quả thiết thực. KTNN đã tích cực tham gia vào các hoạt động đào tạo, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn trong ASOSAI; tiếp tục phát huy, khẳng định tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược ASEANSAI nhiệm kỳ 2017-2019; đại diện ASOSAI khi làm việc với các tổ chức quốc gia và quốc tế; ứng cử làm thành viên Ban điều hành INTOSAI giai đoạn 2019-2025 nhằm nâng cao vị thế của KTNN trong khu vực và trên thế giới.
Hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập KTNN (11/7/1994- 11/7/2019), Ngành đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực được các đơn vị hưởng ứng và tích cực tham gia…
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm, cũng như 9 nhiệm vụ trọng tâm và 7 giải pháp chủ yếu trong triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của KTNN.
Đồng thời, các đại biểu cũng thẳng thắn trao đổi về những giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán, cụ thể là chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán; đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán; nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán và tính khả thi của những kết luận, kiến nghị kiểm toán; nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán…
Để hoàn thành xuất sắc toàn diện kế hoạch công tác năm 2019, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019: Toàn Ngành tập trung hoàn thiện và khẩn trương phát hành các Báo cáo kiểm toán đã kết thúc theo đúng quy định của Luật KTNN, đảm bảo cơ sở pháp lý và chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán; Các đơn vị khẩn trương xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2020, trong đó cần đảm bảo đúng mục tiêu kiểm toán ngân sách năm 2019 của hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các Bộ, cơ quan T.Ư nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo Hội nghị- |
Đồng thời, các tiểu ban và các đơn vị liên quan cần tập trung cao độ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020- 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đảm bảo tiến độ, chất lượng, kịp thời trình các cơ quan của Quốc hội, UBTV Quốc hội theo đúng kế hoạch đề ra; Thực hiện tốt Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quản lý năm 2019, trong đó tập trung giải trình, thuyết minh rõ, mạch lac các vấn đề sửa đổi, bổ sung trong Luật KTNN năm 2015.
Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán cũng yêu cầu toàn ngành tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, kế hoạch công tác tổ chức cán bộ năm 2019, trong đó tập trung hoàn thiện dự thảo Bảng lương chuyên ngành KTNN báo cáo Bộ Nội vụ; danh mục, bản mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức KTNN báo cáo Ban tổ chức T.Ư và Ban công tác đại biểu của Quốc hội theo quy định… KTNN cần tiếp tục triển khai kế hoạch đối ngoại năm 2019 có hiệu quả, thiết thực thông qua các thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ, các kế hoạch hợp tác song phương, tập trung vào các lĩnh vực mà KTNN quan tâm như kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin…
Toàn Ngành cũng cần tiếp tục triển khai các nội dung công việc thuộc Đề án tổng thể CNTT giai đoạn 2015- 2020, trong đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần mềm ứng dụng thuộc Dự án hợp phần 1 “Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động kiểm toán”, Dự án hợp phần 2 “Hệ thống thông tin tích hợp và trung tâm dữ liệu dự phòng”, đặc biệt là phần mềm quản lý hoạt động kiểm toán các lĩnh vực, phương án sử dụng chữ ký số…
H.THOAN - H.LONG