Các cuộc kiểm toán đã tập trung vào những vấn đề dư luận quan tâm

(BKTO)- Trải qua 1/4 thế kỷ xây dựng và trưởng thành, KTNN đã lớn mạnh về mọi mặt, đã trở thành một cơ quan kiểm tra tài chính công uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và từng bước hiện đại. Nhân dịp niệm 25 năm ngày thành lập (11/7/1994- 11/7/2019) Báo điện tử Kiểm toán xin giới thiệu ý kiến của Đại biểu Quốc hội LƯU BÌNH NHƯỠNG - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những đóng góp của KTNN trong hoạt động của Quốc hội.



Năm 2013, lần đầu tiên địa vị pháp lý của KTNN và của Tổng Kiểm toán Nhà nước được quy định trong Hiến pháp. Việc đưa KTNN từ một cơ quan Luật định trở thành cơ quan Hiến định cho thấy tầm quan trọng của Cơ quan này trong bộ máy nhà nước; đồng thời cũng cho thấy sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với một cơ quan hoạt động độc lập, thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát tài chính công, tài sản công, vì một nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững.

KTNN là cơ quan do Quốc hội lập ra để thực hiện quyền kiểm soát của cơ quan quyền lực nhà nước. Vì vậy, KTNN được coi như “tai mắt” của Quốc hội, giúp Quốc hội giám sát quá trình thu, chi NSNN, quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước. Nhìn lại 25 năm xây dựng và phát triển, cùng với tiến trình phát triển đất nước, KTNN đã từng bước khẳng định vai trò của mình với những đóng góp hết sức ý nghĩa. Theo số liệu của KTNN, kể từ khi thành lập đến hết năm 2018, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 413.145 tỷ đồng. Như vậy, KTNN đã góp phần rất lớn giúp ngăn chặn thất thoát, tham nhũng, lãng phí, để những đồng tiền thuế của nhân dân đóng góp được sử dụng hiệu quả và mang lại lợi ích thực sự cho người dân, cho đất nước; đồng thời góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước trong từng đơn vị được kiểm toán.

Bên cạnh kiến nghị xử lý tài chính, điều đáng quan tâm hơn là KTNN đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế, bịt các lỗ hổng về chính sách, đề xuất các ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Qua đó, KTNN không chỉ giúp Quốc hội, Chính phủ kịp thời bổ sung, ban hành, điều chỉnh chính sách pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn mà còn góp phần dẹp nạn “tham nhũng chính sách”. Có thể nói, nếu không có KTNN thì đất nước sẽ thất thoát rất nhiều tiền, tài sản.

Qua tiếp xúc với cử tri và Nhân dân, tôi nhận thấy, Nhân dân rất tin tưởng và ủng hộ KTNN. Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động kiểm toán đã có rất nhiều đổi mới. Các cuộc kiểm toán đã tập trung vào những vấn đề dư luận quan tâm, nhân dân bức xúc. Điển hình như, trước những mập mờ lợi ích trong triển khai các dự án BOT khiến lòng dân dậy sóng, KTNN đã xuống tận các trạm BOT để thực hiện kiểm toán, để tìm ra những bất cập, hạn chế, sai sót trong triển khai các dự án này. Kết quả kiểm toán kiến nghị giảm thu phí 222 năm đối với 61 trạm BOT là câu trả lời khiến người dân vô cùng phấn khởi; đồng thời cũng giúp các cơ quan chức năng nhìn nhận lại, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện chính sách nhằm phát huy hiệu quả của hình thức đầu tư này.

Với những nền móng đã được tạo dựng trong 25 năm qua, tôi mong rằng trong thời gian tới, KTNN sẽ không ngừng lớn mạnh và phát huy hơn nữa tinh thần “chiến đấu”. Theo đó, KTNN cần tiếp tục đổi mới và nâng cao tính chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Muốn vậy, KTNN phải có một đội ngũ giỏi chuyên môn, yêu nghề, có đạo đức nghề nghiệp vững vàng, luôn chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ. Trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, cần bám sát thực tiễn cuộc sống, mạnh dạn đi vào những điểm “nóng” được dư luận quan tâm, những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để ngăn chặn thất thoát, lãng phí, kiên quyết đưa ra ánh sáng những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, giúp củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiêm minh của pháp luật.

N. HỒNG (ghi)
Cùng chuyên mục
Các cuộc kiểm toán đã tập trung vào những vấn đề dư luận quan tâm