Cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách cho khu vực DN. Ảnh: TTXVN
Nhiều doanh nghiệp kinh doanhthua lỗ
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN (Bộ KH&ĐT) ghi nhận, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 DN đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Tại thời điểm 31/12/2019, có 508.770 DN đang hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 67,1% trong toàn bộ khu vực DN của cả nước, tăng 6,9% so với cùng thời điểm năm 2018. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 239.755 DN, chiếm 31,6%, tăng 5,1%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10.085 DN, chiếm 1,3%, giảm 6,3%.
Đồng thời, theo số liệu điều tra và cập nhật của ngành thống kê, tại thời điểm 31/12/2018, cả nước có 610.637 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng 9% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, có 269.169 DN kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%; có 45.737 DN kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5%; có 295.731 DN kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%.
Nếu phân loại theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ có 419.262 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, chiếm 68,7% số DN toàn quốc, tăng 7,3% so với cùng thời điểm năm 2017 (trong đó, số DN kinh doanh có lãi chiếm 42,7%; 7,5% DN kinh doanh hòa vốn; 49,7% kinh doanh lỗ). Khu vực công nghiệp và xây dựng có 184.531 DN, chiếm 30,2%, tăng 12,4% (trong đó, 47,6% DN kinh doanh có lãi; 6,9% kinh doanh hòa vốn; 45,5% kinh doanh lỗ). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 6.844 DN, chiếm 1,1%, tăng 25,3% (trong đó, 31,7% DN kinh doanh có lãi; 21,3% kinh doanh hòa vốn và 47% kinh doanh lỗ).
Nếu phân theo loại hình DN, khu vực DNNN có 2.260 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2018, chiếm 0,4%, giảm 9,1% so với thời điểm 31/12/2017. Khu vực DN ngoài nhà nước có 591.499 DN, chiếm 96,9% số DN cả nước, tăng 9,2%. Khu vực DN FDI có 16.878 DN, chiếm khoảng 2,7% số DN cả nước, tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm 2017.
Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của các DN đang hoạt động đạt 38,93 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với cùng thời điểm năm 2017. Trong đó, khu vực dịch vụ đạt 25,52 triệu tỷ đồng, chiếm 65,6%, tăng 19,7% so với cùng thời điểm năm 2017; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 13 triệu tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút 401.700 tỷ đồng.
Nếu phân chia theo loại hình DN, khu vực DN ngoài nhà nước thu hút 22,25 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 57,2% vốn của toàn bộ khu vực DN. Khu vực DNNN có số lượng chỉ chiếm 0,4% tổng số DN cả nước, nhưng khu vực này chủ yếu là DN có quy mô lớn nên thu hút vốn cho sản xuất kinh doanh đạt 9,65 triệu tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng vốn của toàn bộ khu vực DN. Khu vực DN FDI hầu hết gồm các DN có quy mô lớn, thu hút đáng kể vốn cho sản xuất kinh doanh với 7 triệu tỷ đồng, chiếm 18%.
Cần tập trung tháo gỡ khó khăncho doanh nghiệp
Đề xuất giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho DN, trước hết là chi phí bất hợp lý. Ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho DN. Phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) đạt điểm số trung bình của ASEAN 4. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ; rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; nghiêm túc thực hiện công bố công khai, minh bạch, có so sánh trước và sau khi cắt giảm, hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện.
Đồng thời, cần nghiên cứu nội dung của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), cải cách thể chế tạo dựng môi trường, chính sách kinh tế phù hợp với các nội dung của EVFTA; tạo dựng chính sách kinh tế để khuyến khích DN đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của DN trong nước.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo làm trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo. Đặc biệt, triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân, trong đó khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường...
Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến nhanh, phức tạp trên thế giới và ngay tại Việt Nam, Nhà nước cần có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy lùi khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển. Một số giải pháp cụ thể là đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa; cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu; cơ cấu khu vực DN để tăng cường kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2018 đạt 895.560 tỷ đồng, tăng 2,1% so với năm 2017 (thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 18% của vốn và 14,4% của doanh thu). Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có lợi nhuận trước thuế đạt 483.630 tỷ đồng, chiếm 54%; khu vực dịch vụ tạo ra 408.290 tỷ đồng, chiếm 45,6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tạo ra 3.640 tỷ đồng, chiếm 0,4%. |
PHÚC KHANG