Công khai ngân sách: Từ khung pháp lý đến thực tiễn triển khai

(BKTO) - Khung pháp lý tương đối đầy đủ đã tạo thuận lợi cho việc công khai ngân sách tại các Bộ, ngành, địa phương đạt được nhiều tiến bộ. Tuy vậy, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi phải có các giải pháp khắc phục, đặc biệt cần xây dựng chế tài đối với đơn vị chưa tuân thủ các quy định về công khai ngân sách. Đó là nội dung chính của Tọa đàm: “Công khai ngân sách: Từ khung pháp lý đến thực tiễn triển khai” do Báo Kiểm toán tổ chức với sự tham gia của ông Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; ông Vũ Ngọc Tuấn - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III và ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính. Báo Kiểm toán trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

6.jpg
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng. Ảnh: H.NHUNG

Cần cơ chế để người dân có quyền truy cập các báo cáo kiểm toán

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh: Công sức của Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong bao nhiêu ngày để đưa ra kết luận, đánh giá ưu điểm, hạn chế, khó khăn của đơn vị được kiểm toán mà lại không được công khai, chỉ một số ít, một bộ phận biết được, là rất đáng tiếc. Chúng ta cần có cơ chế để mọi người dân có quyền truy cập lại toàn bộ báo cáo của KTNN. Đấy là quyền của công dân, để người dân được biết và nắm toàn bộ nội dung đó.

Chỉ số công khai, minh bạch ngân sách rõ ràng hơn

Theo ông Bùi Đặng Dũng, càng ngày, việc các cơ quan sử dụng ngân sách, các cơ quan thực hiện chấp hành ngân sách, các cử tri và nhân dân - những người giám sát việc thực hiện - cảm thấy phấn khởi vì chỉ số công khai, minh bạch ngân sách rõ ràng hơn. Điều này cũng do pháp luật quy định.

Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, các nghị định, các thông tư hướng dẫn của Chính phủ quy định rất rõ 6 hình thức công khai ngân sách và có thể thực hiện 1 trong 6 hình thức công khai này. Đó là: Công khai ngay tại cuộc họp; công khai bằng văn bản, treo, niêm yết ở trụ sở cơ quan; phát hành văn bản đến các đối tượng liên quan; thông qua các phương tiện thông tin điện tử; thông qua các ấn phẩm, các chuyên đề; thông qua mạng xã hội. Cho nên, tất cả các đối tượng sử dụng NSNN, các đối tượng dự toán NSNN, các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ ngân sách, hay các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình mục tiêu, dự án có NSNN đều phải tuân thủ và thực hiện.

Hiện nay, các tỉnh, thành ủy, Ủy ban kiểm tra các tỉnh, Thành ủy, Ban Nội chính cũng rất quan tâm đến việc công khai ngân sách và các kết luận, kiến nghị của KTNN. Chúng ta nên kết hợp, chia sẻ thông tin cho những đơn vị như vậy. Bên cạnh đó, trong việc đánh giá kết quả của cán bộ, chúng ta cũng phải phối hợp chặt chẽ với bộ phận tổ chức cán bộ các cấp. Với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tôi nghĩ sẽ thúc đẩy tốt hơn việc công khai các kết quả NSNN cũng như việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Ông Bùi Đặng Dũng

Nhấn mạnh vai trò của KTNN, ông Bùi Đặng Dũng cho biết: Với vị thế đã được Hiến định, nơi nào KTNN vào kiểm toán thì nơi đó, KTNN giúp đơn vị được kiểm toán thấy việc gì làm đúng, việc gì làm chưa đúng để rút kinh nghiệm tốt hơn. Chính vì vậy, KTNN với vai trò cơ quan kiểm tra tài chính đã giúp việc công khai, minh bạch ngân sách rõ ràng hơn.

Cũng theo ông Bùi Đặng Dũng, chúng ta có Luật Thực hành tiết kiệm, hằng năm đều có báo cáo đánh giá. Sự chỉ đạo của Chính phủ rất quyết liệt. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực NSNN cũng đang đẩy mạnh rất tốt. Điều đó giúp những người đang sử dụng NSNN ý thức rõ hơn về vấn đề này.

Một điểm nữa là những năm gần đây, khi báo cáo trước Quốc hội về quyết toán ngân sách hằng năm, bao giờ Chính phủ cũng kèm theo một báo cáo về xử lý những vi phạm của tập thể, cá nhân trong lĩnh vực tài chính ngân sách. Việc này cũng tạo ra sự công khai, minh bạch tích cực và rõ hơn.

Ông Bùi Đặng Dũng cho rằng, sự giám sát cộng đồng và ý thức của người dân được nâng cao rõ rệt. Thông qua tuyên truyền, giáo dục pháp luật và từ hiểu biết luật pháp, giám sát của người dân, cộng đồng và đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được nâng lên, góp phần làm cho vấn đề công khai, minh bạch NSNN tốt hơn.

Có chế tài xử lý nghiêm việc không chấp hành

Bên cạnh kết quả đã đạt được, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định, vấn đề công khai, minh bạch ngân sách vẫn còn những điểm chưa làm tốt. Nguyên nhân của vấn đề này, ông Dũng cho rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trách nhiệm này trước hết thuộc về các cơ quan chỉ đạo. NSNN là bảng dự toán được các cấp có thẩm quyền quyết định về vấn đề chi tiêu ngân sách trong 1 năm nhất định với 3 nội dung: Dự toán, chấp hành ngân sách và quyết toán. Ngay trong dự toán, trước khi được quyết định, địa phương đã trình Hội đồng nhân dân (HĐND) và phải công khai sau 5 ngày. Còn khi Quốc hội đã phê chuẩn, HĐND đã quyết định, trong vòng 30 ngày, đơn vị/địa phương phải thực hiện. Hay vấn đề thu, chi ngân sách, chấp hành ngân sách ở cấp tỉnh trong 1 quý hay 6 tháng, theo quy định, sau 15 ngày phải báo cáo. Ở cấp Trung ương, Bộ, ngành, việc có tuân thủ thực hiện toàn bộ những quy định đó không là cả một vấn đề. Tại sao luật quy định, người ta không thực hiện mà cũng không sao?

“Chúng tôi về giám sát ở địa phương, đến một cơ sở, tôi hỏi cơ sở có công khai không và công khai bằng hình thức gì? Họ nói có công khai, văn bản treo ở tầng 4, thế thì làm sao người dân lại leo lên hội trường tầng 4 để xem được. Nghe như chuyện tiếu lâm nhưng thực tế cuộc sống vẫn diễn ra như vậy. Một câu hỏi rất lớn đặt ra là luật, nghị định và thông tư quy định như vậy, nhưng vì sao không đi vào thực tiễn cuộc sống? Vì bản thân những người phải thực hiện những nội dung đó không tuân thủ. Thứ hai, những người giám sát việc thực hiện đó cũng bỏ qua, người ta coi trọng những vấn đề khác lớn hơn, thiếu quan tâm những vấn đề cụ thể” - ông Dũng dẫn chứng.

Cũng theo ông Bùi Đặng Dũng, để thực hiện tốt hơn việc công khai, minh bạch NSNN, trước hết, chúng ta phải bắt đầu từ khung pháp lý. Bây giờ, Luật NSNN đang đề nghị sửa đổi, liên quan đến vấn đề công khai ngân sách, chúng ta phải đề xuất, kiến nghị có những biện pháp và những chế tài để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đơn vị không chấp hành nghiêm các quy định về công khai ngân sách.

Thứ hai, vấn đề rất quan trọng là phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người dân có ý thức giám sát, đẩy mạnh việc công khai thực hiện vấn đề này cho tốt.

Thứ ba, trong thực thi công vụ, tất cả những cán bộ đảm nhận nhiệm vụ phải làm tròn trách nhiệm của mình cho tốt. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra sức mạnh tổng hợp tổng thể để làm tốt việc công khai, minh bạch ngân sách.

Liên quan đến việc công khai báo cáo của KTNN, ông Dũng cho rằng, công sức của KTNN trong bao nhiêu ngày để đưa ra kết luận, đánh giá ưu điểm, hạn chế, khó khăn của đơn vị được kiểm toán mà lại chỉ một số ít, một bộ phận biết được là rất đáng tiếc. Cộng đồng phải được biết toàn bộ báo cáo đó, đại biểu HĐND rất cần. Ông Dũng khuyến nghị: “Chúng ta cần có một cơ chế nào đó để mọi người dân có quyền truy cập lại toàn bộ báo cáo của KTNN. Đấy là quyền của công dân, để người dân được biết và nắm toàn bộ nội dung đó”. /.

Cùng chuyên mục
  • Moldova: Thiếu sót lớn trong Báo cáo tài chính của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm
    8 ngày trước Kiểm toán quốc tế
    (BKTO) - Vừa qua, Toà Thẩm kế Moldova đã thực hiện soát xét báo cáo tài chính hợp nhất của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (MAFI) và chỉ ra những thiếu sót quan trọng, từ đó đưa ra các ý kiến kiểm toán chính xác, cùng các khuyến nghị dành cho Bộ.
  • Thẩm định báo cáo kiểm toán - nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng kiểm toán
    8 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Huỳnh Hữu Thọ - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - khẳng định: Công tác thẩm định báo cáo kiểm toán đã có nhiều phát hiện quan trọng góp phần hoàn thiện báo cáo kiểm toán. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN).
  • Kiểm soát từng cấp, gắn trách nhiệm cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán
    8 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Nhằm tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Tổng Kiểm toán nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 1671/CT-KTNN về thực hiện một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Lương Thuyết - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán về giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán trong thời gian tới.
  • Đằng sau điểm số giám sát ngân sách của Kiểm toán nhà nước
    8 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Điểm số giám sát ngân sách của Kiểm toán nhà nước (KTNN) có sự cải thiện qua các năm và cao hơn so với trung bình toàn cầu. “Đó là điều đáng ghi nhận trong việc thực thi công khai ngân sách nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, áp lực đối với KTNN khi phải duy trì, cải thiện hơn điểm số này”, ông Vũ Ngọc Tuấn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - chia sẻ.
  • Công khai ngân sách: Khung pháp lý và quyết tâm đã có nhưng vẫn cần thêm chế tài
    8 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - khẳng định, khuôn khổ pháp luật về công khai, minh bạch ngân sách khá đầy đủ, các cấp quản lý đã quyết tâm thực thi nhưng vẫn có đơn vị chưa thực hiện do thiếu chế tài xử lý. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, bổ sung vấn đề này khi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).
Công khai ngân sách: Từ khung pháp lý đến thực tiễn triển khai