Công nghệ trở thành “lá chắn” mới chống hàng giả

(BKTO) - Khi hàng giả len lỏi vào cả siêu thị và sàn thương mại điện tử, công nghệ truy xuất nguồn gốc đang được kỳ vọng trở thành tuyến phòng thủ hiệu quả nhất, “lá chắn” vững chắc chống hàng giả.

Truy xuất nguồn gốc từ mã định danh duy nhất

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trong các ngành thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng giải pháp định danh và xác thực sản phẩm – NDA Trace – với mục tiêu truy xuất nguồn gốc hàng hóa toàn quốc. Hệ thống này sử dụng mã định danh duy nhất (UID) cho từng sản phẩm, tích hợp nền tảng blockchain quốc gia (NDA Chain) và công nghệ định danh phi tập trung (NDA DID), giúp theo dõi minh bạch toàn bộ vòng đời sản phẩm.

Giải pháp NDA Trace sẽ do Bộ Công an chủ trì cấp mã định danh hàng hóa duy nhất (UID) theo chuẩn quốc tế cho mọi loại hàng hóa tại Việt Nam qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Toàn bộ dữ liệu NDA Trace được tích hợp từ các bộ, ngành: hải quan, thuế, y tế, quản lý thị trường, công thương... vào hạ tầng dữ liệu quốc gia, khai thác trên Cổng dịch vụ công quốc gia và nền tảng định danh, xác thực, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

NDA Trace là hệ thống định danh - xác thực - truy xuất nguồn gốc đến từng sản phẩm, hàng hóa cụ thể nhờ ứng dụng nền tảng blockchain quốc gia (NDA Chain) và công nghệ định danh phi tập trung (NDA DID).

Mỗi sản phẩm được gắn mã định danh duy nhất, giúp theo dõi minh bạch toàn bộ hành trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng. Mọi thao tác của các chủ thể trong chuỗi cung ứng đều được ghi nhận và xác thực, không thể làm giả, không thể chỉnh sửa.

Đặc biệt, NDA Trace còn kết nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử để xác minh mã hàng hóa trước khi cho phép đăng bán. Theo đó, hệ thống sẽ kết nối truy xuất với dữ liệu kiểm định, giấy phép, cảnh báo sản phẩm không đạt; thông báo công khai tới người dân và hệ thống phân phối.

Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (từ nhà sản xuất, cơ quan kiểm định, đơn vị vận chuyển - phân phối đến người tiêu dùng) có thể dễ dàng kiểm tra thông tin, nguồn gốc và hoạt động xác thực trong vòng đời sản phẩm thông qua NDATrace ID (dưới dạng mã QR hoặc chip định danh) mà không cần đăng ký tài khoản.

Theo các chuyên gia, người dùng có thể dễ dàng quét mã UID để truy xuất nguồn gốc từng sản phẩm một cách minh bạch, an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể xác nhận mua hàng, tham gia các chương trình tích lũy điểm thành viên và chăm sóc khách hàng.

Theo đội ngũ phát triển, hiện ứng dụng đã thực hiện định danh và xác thực cho trên 400 loại mặt hàng với hơn 25.000 tem/mã định danh đã được phát hành.

Theo kế hoạch, ứng dụng sẽ được chính thức triển khai trong quý 3 năm nay với việc tích hợp nền tảng lên các dịch vụ công quốc gia như: hải quan, thuế, thương mại điện tử, quản lý thị trường… Quý 4 sẽ triển khai thí điểm tại 3 địa phương/nhóm ngành cũng như hoàn thiện pháp lý bắt buộc định danh. Sang quý đầu năm 2026 sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Doanh nghiệp tích cực ứng dụng công nghệ chống hàng giả

Công nghệ như blockchain, bao bì chống giả, mã QR đang trở thành “công cụ phổ thông” giúp người dân xác minh nguồn gốc hàng hóa. Theo TS. Nguyễn Cảnh Lam (Đại học RMIT), việc kết hợp blockchain với mã QR giúp lưu trữ và xác thực dữ liệu minh bạch, không thể chỉnh sửa – một công cụ hiệu quả để ngăn hàng giả len vào chuỗi cung ứng chính thức.

Ngoài mã QR, nhiều doanh nghiệp Việt còn ứng dụng bao bì chống giả (băng keo niêm phong, nhãn cảm ứng, tem bảo mật, chip RFID/NFC…) và đang nghiên cứu công nghệ thủy vân số – cho phép in watermark bằng phẩm màu an toàn lên từng viên thuốc, hỗ trợ xác thực từng liều sản phẩm.

Là một đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón lớn trên toàn quốc, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao) đã tiên phong ứng dụng tem thông minh chống hàng giả (mã QR). Ông Trần Đại Nghĩa – Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, Supe Lâm Thao là đơn vị đầu tiên trong ngành phân bón áp dụng tem thông minh có mã QR code trên bao bì sản phẩm. Ngay từ đầu năm 2021, việc triển khai gặp nhiều thách thức do quy mô công nghiệp lớn, song công ty đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm để xác định vị trí gắn tem phù hợp, chống bong tróc và đảm bảo hiệu quả sử dụng.

anh-7-1683793336440970178365.jpg
Công nhân Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tiến hành check mã QR trên sản phẩm phân bón. 
anh-3-168379296235186547035.jpg
Tem thông minh của Supe Lâm Thao gồm hai lớp: bên ngoài và bên trong bao bì. Người dùng có thể dùng điện thoại quét mã để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, mã vùng bán hàng, mã khách hàng, hướng dẫn sử dụng, ngày xuất hàng...
z6830684447890_241b10c05a962d0017dccfe16511a303.jpg
Công nhân đang tiến hành kiểm tra tem thông minh trên từng bao bì sản phẩm của Supe Lâm Thao. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Tem thông minh của Supe Lâm Thao gồm hai lớp: bên ngoài và bên trong bao bì. Người dùng có thể dùng điện thoại quét mã để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, mã vùng bán hàng, mã khách hàng, hướng dẫn sử dụng, ngày xuất hàng... Mỗi bao hàng chỉ có một mã duy nhất đi theo từ xuất xưởng đến khi sử dụng, góp phần ngăn chặn hàng giả mạo thương hiệu.

Theo ông Nghĩa, trước đây để phân biệt mã vùng, mã khách - phân vùng bán hàng Supe Lâm Thao thực hiện thủ công bằng cách đóng dấu bằng mực lên bao, dễ bị tẩy xóa dẫn đến xâm lấn vùng bán, ảnh hưởng đến hiệu quả bán hàng.

Đến nay, với việc sử dụng con tem thông minh, người nông dân không chỉ truy xuất thông tin sản phẩm, các tính năng, công dụng, hướng dẫn sử dụng và đặc biệt là phân loại mã vùng, mã khách hàng đặc biệt giúp Supe Lâm Thao ngăn chặn được hiệu quả tình trạng phân bón giả mạo nhãn hiệu. Ngoài ra, tem còn được tích hợp để triển khai chương trình khuyến mãi như tặng vàng, tặng tiền nhằm tri ân khách hàng, được bà con nông dân đón nhận tích cực.

Có thể thấy rõ những tác dụng của công nghệ trong công tác chống hàng giả. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không một công nghệ nào có thể thay thế vai trò chủ động của người tiêu dùng. Thói quen tiêu dùng dễ dãi, ham giá rẻ hoặc “thương hiệu qua lời giới thiệu” đang vô tình hợp pháp hóa hàng giả. TS. Hùng nhấn mạnh: “Người dân cần quét mã, mua hàng từ nguồn uy tín và từ chối tiếp tay cho hàng hóa không rõ xuất xứ”.

Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cảnh báo: “Không thể chỉ chờ vào công nghệ hay quản lý nhà nước. Người dân cần lên tiếng, báo cáo khi phát hiện hàng giả”.

Đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

Nền tảng công nghệ không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu khung pháp lý và cơ sở dữ liệu liên thông. Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, trong đợt cao điểm chống hàng giả vừa qua, nhiều đường dây quy mô hàng ngàn tỷ đã bị phát hiện, trong đó có Z Holding và Big Holding. Các đối tượng này thậm chí làm giả phiếu kiểm nghiệm, thông đồng với cơ quan kiểm định để "hợp thức hóa" hàng giả.

images2029560_20_7hanggia1.png
Quét mã QR để phân biệt hàng thật, hàng giả trên bao bì sản phẩm 

Hiện Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Công Thương và VNPT xây dựng nền tảng dữ liệu quốc gia về xuất xứ hàng hóa – một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06. Cổng truy xuất nguồn gốc sẽ là nơi các doanh nghiệp phải kê khai đầy đủ thông tin chuỗi cung ứng. Người dân có thể kiểm tra mọi sản phẩm trên thị trường, còn cơ quan quản lý có thể giám sát và quy trách nhiệm khi xảy ra sai phạm.

Ông Trần Bá Dương – chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia – nhận định: “Mã QR, mã vạch truyền thống đã bộc lộ hạn chế khi hàng giả sao chép được cả dữ liệu truy xuất. Cần tích hợp công nghệ cao, định kỳ kiểm tra mã và đảm bảo dữ liệu truy xuất liên thông giữa các địa phương”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Hoàng Phương cũng cho rằng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ không chỉ giúp minh bạch hóa thị trường, mà còn buộc doanh nghiệp phải cam kết và chịu trách nhiệm pháp lý về chất lượng hàng hóa.

Cùng chuyên mục
Công nghệ trở thành “lá chắn” mới chống hàng giả